Đúng lúc Klimentiev đang nhìn nàng, người thiếu phu ngước mắt lên và
mắt nàng bắt gặp mắt y. Hai người nhìn nhau với những đôi mắt vô hồn, vô
tình cảm như những kẻ đi tàu, đi xe tình cờ nhìn nhau trong khoảnh khắc
thời gian nào đó. Rồi khi đôi mắt người thiếu phụ chớp chớp như để dò hỏi,
Klimentiev, nhờ thói quen nghề nghiệp, đã nhớ lại được mặt nàng. Y biết
nàng là ai và y không sao dấu nổi vẻ y biết nàng là ai. Về phần người thiếu
phụ, nàng nhìn thấy vẻ do dự của Klimentiev và nàng biết rằng nàng đã
đoán đúng.
Người thiếu phụ này là vợ của tù nhân Nerzhin. Klimentiev từng nhìn thấy
nàng khi nàng đến thăm chồng ở nhà tù Taganka.
Nàng nhíu đôi lông mày, đưa mắt nhìn đi, rồi lại nhìn trở lại mặt
Klimentiev. Bây giờ Klimentiev nhìn qua cửa toa ra đường hầm nhưng ở
góc mắt y, y cảm biết là người thiếu phụ đang nhìn y. Rồi nàng đứng dậy và
với một vẻ quả quyết thấy rõ, nàng đi tới chỗ Klimentiev. Y bắt buộc phải
quay lại nhìn nàng.
Nàng đứng lên với sự quả quyết nhưng vừa rời khỏi chỗ ngồi, vẻ quả quyết
của nàng tan rã ngay và nàng trở thành bối rối, ngần ngại, do dự, mặc dù có
cái cặp da nặng trên tay, nàng có vẻ như người đứng dậy để nhường chỗ
ngồi cho ông Trung tá đứng trước mặt nàng. Trên đầu nàng treo nặng cái số
phận không may của những người vợ những tù nhân chính trị – vợ của
những kẻ bị coi là kẻ thù nhân dân, dù rằng những người đàn bà này làm gì,
đi đâu, ở đâu, một khi người ta biết họ là vợ những chính trị phạm đang bị
tù họ cũng như kéo theo cái xấu xa ghê gớm của chồng họ. Trước mắt mọi
người, họ cùng chịu chung tình trạng khốn nạn của những kẻ bất lương mà
họ đã dại dột lỡ trao thân, gửi phận. Và những người đàn bà khốn khổ này
cảm thấy họ có tội thực sự, họ đáng bị khinh bỉ thực sự trong khi người
chồng họ, những kẻ thù đích thực của nhân dân, vì chỉ sống ở trong tù,
không cảm thấy.
Đứng ngay trước mặt Klimentiev để cho y có thể nghe được tiếng mình nói
trên tiếng động của con tàu, người thiếu phụ cất tiếng:
"Đồng chí Trung tá… Xin tha lỗi cho tôi… Ông là vị chỉ huy chồng tôi,
phải không ạ?"