có ánh mặt trời. Tôi sẽ đi theo chồng tôi, tôi sẽ bỏ tất cả…"
Người đàn bà với khuôn mặt rầu rĩ của một nữ tu sĩ và bộ áo cũ đến nỗi
từng sợi len đan đã rời nhau, nhìn Nadya bằng đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa
thán phục.
"Chị vẫn còn đủ sức theo chồng chị đi đày ư? Chị còn may mắn và chị hãy
còn sung sướng. Tôi không còn chút sức lực nào cả. Tôi không còn làm nổi
được bất cứ việc gì. Tôi nghĩ nếu có ông già nào có tiền chịu lấy tôi làm vợ,
tôi sẽ lấy…"
Nadya run lên:
"Bà bỏ được ông ấy sao? Bà bỏ được ông ấy trong… đó?"
Người đàn bà nắm lấy tay áo Nadya:
"Này chị… Người ta dễ yêu ở thế kỷ XIX. Những người vợ của những nhà
cách mạng tháng Chạp đó – chị nghĩ họ có tinh thần cao ư? Họ hăng say
nhiều hơn chúng ta ư? Họ đâu có cần phải làm việc để khỏi bị chết đói? Họ
đâu có bị bọn trưởng phòng nhân viên gọi đến bắt kê khai những bản khai
an ninh dài dằng dặc? Họ đâu có phải giấu những tờ hôn thú của họ như
giấu một thứ bệnh kín? Giấu để còn giữ được việc làm, để cho số tiền năm
trăm ruble cuối cùng trong một tháng của họ khỏi bị tước đoạt nốt, để họ
khỏi bị sỉ nhục ngay trong phòng riêng của họ, để khi họ đi ra sân lấy nước
họ không bị người ta chửi, người ta nguyền rủa với những câu như "kẻ thù
của nhân dân". Mẹ đẻ của họ, và chị em ruột của họ, có dùng áp lực ép
buộc họ phải ly dị với chồng họ không? Không, trái lại nữa là khác. Họ
được mọi người kính nể, thán phục. Cuộc đời và hình ảnh họ được những
nhà thơ làm thơ, họ trở thành những hình ảnh đẹp trong những huyền thoại.
Họ đi sang Tây Bá Lợi Á theo chồng họ trên những cỗ xe tứ mã, họ đi
nhưng họ vẫn còn nguyên cái quyền được sống ở Mạc Tư Khoa, họ vẫn còn
là sở hữu của mười mẫu đất, họ đâu có phải lo lắng về những dấu đen trong
sổ lao động, hoặc rã rời trước những căn bếp lạnh không có nồi niêu, không
dầu mỡ, không một miếng bánh đen. Họ nói: "Đi đây…" thật dễ, mà dễ thật
chứ. Dường như chị chưa phải chờ đợi lâu lắm thì phải".
Giọng nói của người đàn bà bật thành tiếng khóc.
Nước mắt chan hòa trong mắt Nadya khi nàng nghe những lời trình bày ghê