thức làm gián điệp cho địch in trên những tờ bích chương dán khắp nơi
trong những năm 30. Anh gật đầu chào tất cả mọi người, kể cả những
người anh không cần phải chào, và anh luôn miệng nói: "Tôi xin lỗi" bằng
một giọng dịu dàng, lễ độ. Trong những cuộc mít-tinh, anh hoàn toàn im
lặng và ngồi như con chuột. Anh không hiểu cả rằng anh làm cho người ta
khó chịu đến là chừng nào.
Nhưng dù họ có chuẩn bị buộc tội anh kỹ càng đến thế nào đi nữa, họ cũng
chỉ có thể ghép anh vào tội phá hoại mơ hồ và kết án anh ba năm tù. Khi
anh đi đến sông Amur, anh được sống tự do không bị kiểm soát. Vợ chưa
cưới của anh theo anh đến đó và họ trở thành vợ chồng.
Trong thời gian họ sống ở bên sông Amur, gần như là không đêm nào hai
vợ chồng không mơ thấy thành phố Leningrad. Họ bắt đầu chuẩn bị để trở
về Leningrad vào năm 1935, nhưng cũng đúng năm ấy, nhiều làn sóng tù
nhân mới đổ dồn về phía họ.
Natasha Pavlona cũng quan sát chồng nàng rất kỹ. Từng có thời gian nàng
trông thấy khuôn mặt chồng nàng có đổi khác. Nàng từng thấy đôi môi
Gerasimovich trở thành cứng rắn, đôi mắt anh trở thành lạnh lùng, gần như
tàn ác, sau làn kiếng trắng. Illarion Pavlovich thôi không còn chào người lạ
nữa, thôi không nói: "Tôi xin lỗi" nữa. Anh luôn luôn bị người ta chê bỏ vì
quá khứ của anh. Anh bị người ta cho nghỉ việc liên tiếp và sau đó, anh bị
người ta trao cho làm những việc không xứng đáng với tài năng và học
thức của anh. Vợ chồng họ lang thang, phiêu bạt khắp nơi, sống đói khổ và
nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Họ chết mất đứa con gái, rồi con trai họ cũng
chết. Cuối cùng, họ đánh nước liều: đằng nào cũng chết, họ trở về
Leningrad. Họ về tới đó vào tháng sáu năm 1941.
Ở đó họ lại càng khó sống, những bản khai lý lịch làm cho Gerasimovich
không sao tìm được việc làm trong những cơ xưởng, những phòng thí
nghiệm. Anh phải làm những việc lao động chân tay để sống. Suốt một
mùa thu năm ấy anh đào chiến hào, giao thông hào và hầm hố quanh
Leningrad. Chiến sự lan đến. Khi những bóng tuyết đầu tiên của mùa đông
rơi xuống, anh trở thành phu đào huyệt chôn người chết.
Trong thành phố bị bao vây, nghề phu đào huyệt là nghề cần đến nhiều