"Lấy đồ đi. Mau".
Gã đi trước, miệng tắc lưỡi.
Lần này Innokenty được đưa đi qua hành lang xuống một cái sân tối. Ý
nghĩ chợt đến trong óc Innokenty: họ đưa chàng đi bắn. Người ta nói rằng
những cuộc xử bắn bao giờ cũng được thực hiện trong đêm khuya.
Rồi chàng tự hỏi: Nếu họ định bắn mình, họ còn đưa cho mình ký giấy
nhận đồ làm gì? Không, chắc là không phải đâu.
Cho đến lúc này Innokenty vẫn còn tự tin ở sự hợp lý của những con quái
vật trăm tay này.
Vừa đi vừa tắc lưỡi theo kiểu gọi chó, gã Trung sĩ hỗn xược đưa chàng qua
sân, vào một tòa nhà khác và tới một thang máy. Một người đàn bà trẻ,
đứng cạnh một bao quần áo vừa giặt xong, tránh sang một bên trong lúc chị
nhìn Innokenty theo gã Trung sĩ bước vào thang máy. Mặc dù chị thợ giặt
này không đẹp, lại ở một giai cấp thấp kém, và cũng nhìn Innokenty với cái
vẻ thản nhiên, lạnh lùng như tất cả mọi người chàng gặp ở đây, Innokenty
vẫn cảm thấy bị xúc động vì những người thiếu nữ đem biên nhận đến cho
chàng ký. Có thể chị thợ giặt này còn thương hại chàng vì chàng tơi tả, khổ
sở quá.
Nhưng thương hại hay không thì có quan trọng gì đâu, khi chàng bị "tống
giam vĩnh viễn".
Gã Trung sĩ đóng cửa thang máy và nhấn một nút điện không đánh số tầng
lầu.
Giàn máy kéo thang vừa chuyển động, Innokenty nhận ra ngay đây là một
tiếng máy bí mật đã làm chàng nghĩ rằng đó là máy nghiền nát xương
người trong những phút đầu chàng bị nhốt vào "thùng" số 8.
Chàng mỉm cười buồn rầu, sự lầm lẫn vô hại này làm cho tinh thần chàng
lên được đôi chút.
Thang máy ngừng. Gã Trung sĩ đưa Innokenty đi thẳng tới một gian phòng
rộng có viên giám thị bận đồng phục. Chàng bị nhốt ngay vào một "thùng"
không có số. "Thùng" này rộng hơn nhưng có vẻ dơ dáy hơn. Sát tường có
một cái bục gỗ dính liền vào tường đủ chỗ cho ba người cùng ngồi. Không
khí trong "thùng" này lạnh giá. Cửa cũng có lỗ nhìn nhưng chàng không bị