thuận lợi cho tâm trạng của chàng. Cuộc gọi điện thoại đến cho Giáo sư
Dobroumov, mới hôm qua đây còn được chàng coi là một hành động cao
quý, nay chỉ còn là một việc làm vô ích, thừa thãi và vô giá trị không khác
việc tự tử.
Bây giờ, chàng có đủ chỗ để có thể đi đi, lại lại, nhưng chàng đã mệt nhoài,
đã rã rời vì những thủ tục mà chàng vừa phải qua, đến nỗi chàng không còn
cả sức để mà đi lại nữa. Sau vài vòng đi quanh quẩn, chàng ngồi xuống bục
gỗ và để hai tay xuôi bên mình.
Biết bao dự định vĩ đại đã bị chôn giữa những bức tường này, bị niêm
phong trong những cái "thùng" giam ác ôn này, bị tiêu diệt, thui chột, chết
ngúm mà đời sau không được biết?
Hôm nay hoặc là ngày mai, Innokenty sẽ đáp phi cơ bay đến Paris, ở đó
chàng sẽ hoàn toàn quên người mà chàng định cứu, người mà … chàng đã
cố gắng hết sức mà vẫn không sao cứu được.
Khi chàng tưởng tượng ra cảnh chàng đến Paris, nhất là những giờ đầu tiên
chàng sống ở Paris, Innokenty rùng mình choàng dậy vì cuộc sống tự do
thần tiên mà chàng vừa mất. Chàng muốn cào cấu lên tường cho hả cơn tiếc
hận.
Nhưng cánh cửa mở đúng lúc giúp chàng khỏi làm cái việc vi phạm đến
luật cấm của khám đường là việc cào cấu hay đấm lên tường. Một lần nữa
họ chất vấn lý lịch chàng. Innokenty trả lời như người đang ngủ say. Rồi
chàng được lệnh ra khỏi đó đem theo đồ. Vì trong "thùng" lạnh giá, chàng
đội mũ và khoác áo ngoài lên vai. Chàng để áo như vậy để đi ra cửa, không
biết rằng với cách khoác áo như thế chàng có thể cầm hai lưỡi dao nhọn
hoặc hai khẩu súng lục đã nạp đạn giấu dưới vạt áo. Chàng bị ngăn lại để
xỏ hai tay vào áo đàng hoàng, sau đó chắp hai tay sau lưng trước khi bước
ra khỏi đó.
Chàng được dẫn đi – người dẫn chàng cũng tắc lưỡi như những người trước
– tới cầu thang nằm cạnh thang máy và đi xuống thang. Nếu chàng nhớ
được đường đi, bao nhiêu lần quẹo, lên xuống bao nhiêu bậc thang, để rồi
sau đó khi không có chuyện gì để nghĩ, hồi tưởng lại và tưởng tượng ra vị
trí của khám đường, việc đó sẽ là một việc hay ho, nhưng lúc này năng