gì đẹp nhất mà loài người có thể tạo ra được. Đáng buồn cho cô hơn nữa là
cô chưa từng bao giờ được sống ở Âu châu. Không ở đâu trên trái đất này
cô có thể học sống thanh thoát bằng ở Âu châu. Tôi chân thành khuyên cô:
cô nên yêu một người nào đó. Thật mà. Cô yêu ai cũng được, nhưng cô
phải yêu. Yêu ai tùy cô, nhưng nhất định là phải yêu trước đã. Rồi cô sẽ
thấy ánh sao sáng trong trời đêm mặc dù đêm không có sao, tiếng nhạc êm
đềm trong không gian mặc dù quanh cô không có nhạc…”
Chàng say sưa nói và không để ý gì đến vành môi cay đắng mím chặt của
người thiếu nữ.
“Hắn lại bốc đồng rồi” – Rubin nói – “Mình bắt buộc phải dùng đến sức
mạnh.”
Và Rubin thò tay ra vặn tắt chiếc radio sau lưng Valentine.
Valentine quay phắt lại:
“Lev Grigorich… Ai cho phép anh…?”
Chàng cau mày và cố gắng làm ra vẻ đe dọa.
Tiếng nhạc sonata thứ bảy bay vút lên trong như tiếng suối. Trong phòng
chỉ còn tiếng nhạc dân ca phát ra từ chiếc máy ở tít đầu kia.
Rubin xịu mặt xuống trước vẻ đe dọa hung hăng của chàng thanh niên, bộ
râu đen còn vướng những vụn bánh của anh run run khi anh hỏi:
“Kỹ sư Pryanchikov. Anh có còn thắc mắc gì về Hiến chương Liên minh
Đại Tây dương không? Anh đã viết di chúc chưa? Anh từ chối không chịu
để lại cho ai đôi giày vải cũ của anh?”
Lời nhắc đến cái chết chung đó là một ước lệ bất thành văn của những tù
nhân ở đây. Mỗi lần có người nổi nóng là người khác có bổn phận hỏi y
một câu tương tự. Quả nhiên câu hỏi này có mãnh lực làm cho Pryanchikov
dịu lại. Chàng nhìn vào mắt Rubin và dịu giọng:
“Anh làm tôi phát điên. Dù ở tù, ít nhất mình cũng phải có một chút tự do
chứ.”
Có một người cất tiếng gọi Pryanchikov. Chàng lặng lẽ bỏ đi, nét mặt vẫn u
buồn.
Rubin cũng lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế sau bàn làm việc dành riêng cho
anh cạnh bạn của Gleb Nerzhin. Anh vội vã chú tâm nghe nhạc nhưng tiếng