hai bên toa kín mít, họ mang những kỷ niệm, những ký ức, những hy vọng
và sợ hãi đi theo họ trên con đường sắt dài thăm thẳm.
Họ đi đâu? Họ không được biết. Cái gì chờ đợi người tù ở cuối cuộc du
hành này? Một mỏ đồng? Một xưởng chặt cây trong rừng thẳm hoặc một
nông trại ở một miền hoang vu, nơi họ thỉnh thoảng có dịp được ăn lén vài
trái su, trái bắp. Người tù sẽ bị phù thũng hay tê liệt sau những tháng đầu
lao động vất vả hay y sẽ may mắn được gặp người quen, được trao cho làm
những việc đỡ vất vả như gác kho, quét xưởng, lao công bệnh viện, hoặc
may mắn hơn nữa, thư ký bàn giấy lo việc giấy tờ, sổ sách? Y có được ban
quản đốc cho phép gửi thư báo cho thân nhân biết địa chỉ mới của y hay
không? Hay gia đình y sau khi bặt tin y, sẽ nghĩ rằng y đã chết?
Cũng có thể, người tù sẽ không đi hết cuộc đi này. Trong một toa xe chở
súc vật kín mít, đi trong nhiều ngày, nhiều đêm, y có thể chết vì bệnh kiết
lỵ hoặc vì đói, vì kiệt sức: y không được ăn trong sáu ngày. Hoặc bọn giải
tù có thể đánh y bằng búa vì trong bọn y có kẻ âm mưu trốn đi. Khi xe
ngừng và cửa xe mở, bọn giải tù đạp những xác tù cứng đơ lăn ra khỏi toa
xe như những khúc gỗ.
Những chuyến xe hỏa chở tù sơn màu đỏ phải mất một tháng rưỡi mới tới
Sovetskaya Gavan.
Xin Chúa cho những kẻ không tới nơi được yên nghỉ ngàn đời!
Mặc dù những nhân viên ở Viện Mavrino đã tỏ ra dễ dãi với những kẻ ra đi
– họ cho phép tù nhân phải di chuyển được mang theo dao cạo mặt tới nhà
tù mới – những câu hỏi trên đây vẫn đè nặng trên trái tim hai mươi người tù
được lệnh chuẩn bị di chuyển trong buổi sáng thứ Ba ấy.
Với những người này, cuộc sống tự do một nửa, cuộc sống không bị đày
đọa, hành hạ quá đỗi của những tù nhân được làm việc trong những Viện
khoa học đã chấm dứt.