những trại tập trung ở miền hoang vu Krasnoyarsk. Nơi đây tù nhân phải
làm việc trong một mỏ đồng, sự ăn uống khổ cực và khí hậu rét lạnh khủng
khiếp làm cho tù nhân chết dễ như ruồi.
Việc tù chết quá nhiều không làm cho bọn Mật vụ Nga xúc động mảy may,
bởi vì chúng nó quá nhiều tù. Người ta ước lượng rằng diện tích những nhà
tù, trại tập trung đủ thứ, đủ kiểu trong lãnh thổ Liên bang Xô Viết còn lớn
rộng hơn cả toàn thể diện tích lãnh thổ một quốc gia hạng trung ở Âu châu,
như Thụy Sĩ chẳng hạn, và số tù nhân trên đất Nga còn đông hơn cả tổng số
dân Thụy Sĩ.
Tháng 2 năm 1953, Solzhenitsyn được trả tự do. Lúc này Stalin đã chết và
Kruschev, người kế vị Stalin, vì chủ trương hạ bệ Stalin nên ra lệnh tha một
số người chỉ vì chống Stalin mà bị tù. Tuy vậy, Solzhenitsyn cũng vẫn phải
đi lưu đày ở vùng hoang vu tuyết trắng mênh mông xứ Balkan. Tới đây ông
sống trong một làng quê, làng Koh-Teren của người Tartare, một giống dân
thiểu số sống trong lãnh thổ của họ nhưng bị sáp nhập vào Liên bang Nga
Xô Viết.
Đây là thời gian Solzhenitsyn bị án biệt xứ. Ông sống ở Koh-Teren ba năm.
Ở đây nhờ không có ai giỏi Toán, ông xin được chân giáo viên dạy Toán, và
nhờ vậy đời ông đỡ khổ vì số tiền lương giáo viên này.
Nhưng cũng ở đây, ông phát giác ông bị đau ung thư. Thực ra, trong thời
gian bị tù 8 năm, ông đã bị ung thư rồi và đã được giải phẫu một lần, nhưng
các y sĩ giấu không cho biết ông đau ung thư.
Tù biệt xứ, không tiền, ở một nơi hoang vắng, lạc hậu, không bệnh viện,
không thuốc men điều trị, nhà văn nắm chắc cái chết. Sau nhiều ngày nằm
liệt giường, ông gắng lần ra Tashkent xin điều trị ở bệnh viện công. Tuy
vẫn không có thuốc nhưng có lẽ vì số chưa đến ngày tận, Solzhenitsyn vẫn
không chết. Những ngày sống vất vưởng ở bệnh viện với bệnh ung thư thập
tử nhất sinh ấy cho nhà văn tài liệu sống để viết thành tiểu thuyết Viện ung
thư (Cancer Ward) sau này.
*