những tập đặc san được đánh số và coi như tài liệu tối mật sẽ được cất vào
tủ sắt và bọn tù sẽ về phòng ngủ, những viên chức tự do sẽ vội vã đi đến
trạm xe buýt. Họ sẽ phải chờ lâu mới có xe về vì ban đêm, xe buýt chạy ít.
Ilya Terentevich Khorobrov, ở cuối phòng và bên ngoài mắt nhìn của những
ông xếp, nặng nề lê chân ven theo tường về phía Potapov. Khorobrov là
người vùng hoang vu nhất của miền Vyatka, gần Kai, quê anh nằm cạnh
một vùng đồng lầy ruộng bao la – diện tích của vùng đồng lầy này lớn hơn
toàn thể diện tích lãnh thổ nước Pháp – trong đầm lầy này có những trại tập
trung đáng sợ nhất của chế độ Nga Xô Viết. Khorobrov từng có dịp nhìn
thấy, và biết nhiều hơn mọi người nhưng sự cần thiết phải luôn luôn giấu
kín ý nghĩ và đè nén sự đòi hỏi công lý đã làm cho tinh thần và cả thể xác
anh nữa, trở thành cong queo, gù xuống, lệch lạc, làm cho vẻ mặt anh trở
thành khó coi và vành môi anh rúm lại trong một đường nét thật bẩn. Sau
cùng, trong cuộc bầu cử thứ nhất được tổ chức sau chiến tranh, anh không
còn chịu đựng được nữa và anh viết bậy những hàng chửi rủa của giới nông
dân thô tục lên tấm phiếu bầu, những lời chửi rủa này được anh tặng cho vị
Lãnh tụ Tối Cao, vị Thiên Tài của những Thiên Tài. Đó là thời những căn
nhà đổ nát không được sửa chữa lại và ruộng nương không được cày vì
thiếu người. Trong cả một tháng trường sau ngày bầu cử nhiều nhân viên
mật vụ trẻ tuổi nghiên cứu nét chữ viết của tất cả những người đi bầu trong
vùng và họ bắt được đúng kẻ viết bậy là Khorobrov. Anh đi tù với niềm
ngây ngô là từ nay anh sẽ được dịp nói hả hê những điều anh muốn nói – ở
tù rồi còn sự gì nữa – nhưng cuộc sống trong tù vẫn không cho anh tự do
chửi rủa như anh tưởng. Cả đống chỉ điểm viên thi nhau báo cáo về
Khorobrov và rất sớm, anh nhận thấy rằng anh nên ngậm miệng là hơn.
Trong Viện Mavrino, sự khôn ngoan tầm thường nhất cho Khorobrov biết
rằng anh nên hòa mình vào số những người làm việc ở Phòng số bảy. Lọt
vào đây dù anh không có hy vọng gì được trả lại tự do nếu người ta thành
công, ít nhất anh cũng được hưởng một đời sống vật chất tương đối sống
được. Nhưng sự bất công, vô lý của những trường hợp bị tù của những
người khác mà anh đã ở thấy đây làm cho Khorobrov buồn nôn, anh đã đi
tới giai đoạn một người không còn muốn sống nữa.