4. Sự tổng hợp. Nhóm phải có cơ chế để biến những ý kiến riêng thành ý kiến tập
thể.
Sự đa dạng - câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô
Mỹ thế kỷ XIX và cách đàn ong kiếm mật
Thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng như các ngành khác như đường sắt, truyền
hình, máy tính cá nhân, thương mại điện tử… đều có một đặc điểm chung là tồn tại nhiều công
ty, nhiều sự lựa chọn và nhiều mô hình khác nhau. Qua thời gian, thị trường sẽ dần phân biệt
người thắng và kẻ thua. Những mô hình và công nghệ không hiệu quả sẽ bị loại bỏ, chỉ còn lại
những mô hình và công nghệ hiệu quả. Hậu quả là nhiều công ty phá sản và xã hội lãng phí
hàng tỉ đô-la vào những mô hình, công nghệ không có đường ra. Đây không phải là cách chọn
lọc khôn ngoan. Hãy xem xét cách đàn ong phân công kiếm mật.
Đàn ong không thảo luận sẽ đi tìm kiếm ở đâu, thay vào đó chúng cử nhiều con ong bay đi
nhiều hướng để tìm kiếm mật trong khu vực cách tổ từ 2 đến 6 km. Con ong nào tìm thấy
nguồn mật sẽ trở về tổ và thực hiện điệu bay vẩy đuôi để báo tin. Cường độ vẩy đuôi này tỷ lệ
thuận với mức độ dồi dào của nguồn mật chúng kiếm được. Kết quả là toàn bộ đàn ong sẽ tập
trung về nơi có nguồn mật nhiều nhất mà không bị phân tán ra nhiều nơi. Quy trình chọn lựa
của loài ong gồm hai giai đoạn đơn giản:
Giai đoạn 1: đa dạng hóa, tức là nhiều con ong tìm kiếm những khả năng có thể;
Giai đoạn 2: quyết định chọn một trong số những khả năng đó cho toàn tổ.
Việc này khác với hành động của các công ty trong thời kỳ đầu của ngành công nghiệp. Họ đã
tỏa ra lập công ty theo nhiều mô hình, công nghệ chứ không quyết định ngay một công nghệ
hiệu quả để cùng thực hiện.
Tính đa dạng của đám đông là yếu tố rất quan trọng. Các cuộc nghiên cứu cho thấy một
nhóm ngẫu nhiên, gồm những người không phải là chuyên gia, sẽ hiệu quả hơn một nhóm
chuyên gia khi giải quyết các vấn đề. Kiến thức và trải nghiệm tương đồng của các chuyên gia
đã làm giảm đi hiệu quả của tính đa dạng. Trong khi đó, những kiến thức, kinh nghiệm tổng
hợp khác nhau của các thành viên trong một nhóm đa dạng sẽ khôn ngoan, thông minh hơn cả
các chuyên gia tài giỏi nhất. Một điểm quan trọng nữa là sự đa dạng của nhóm sẽ dẫn đến sự
độc lập của ý kiến từ các thành viên trong nhóm.
Đám đông cần độc lập về ý tưởng để trở nên trí tuệ
Sự độc lập về ý tưởng của các thành viên trong nhóm rất quan trọng đối với việc ra quyết
định thông minh vì hai lý do. Thứ nhất, nó không để những sai lầm của mọi người tương quan
lẫn nhau để dẫn đến những định hướng sai lầm. Thứ hai, các thành viên với nhiều khả năng
khác nhau sẽ có thông tin mới hơn từ các khía cạnh khác, chứ không phải là những dữ liệu cũ
từ các góc nhìn đã quen thuộc với mọi người.
Độc lập là yếu tố rất quan trọng đối với trí tuệ của đám đông. Mặc dù vậy, điều này khó thành
hiện thực bởi con người có khuynh hướng ảnh hưởng lẫn nhau. Khi đối mặt với sức ảnh hưởng
lớn, con người thường có những hành vi mang tính bầy đàn. Nguồn gốc của hành vi này là do
con người có khuynh hướng truyền đạt thông tin và hành động theo “bằng chứng xã hội” – tức
là những gì đám đông làm. Ví dụ, khi đi qua một ngã tư, nếu chúng ta thấy hầu hết mọi người ở
đó đang nhìn lên trời, thì khả năng chúng ta cũng nhìn lên trời là rất cao. Khi thấy nhiều người
xếp hàng ở một nhà hàng, chúng ta thường nghĩ rằng nhà hàng đó nấu ăn ngon hay có gì đó đặc
biệt. Chính hành vi đám đông (tâm lý bầy đàn) này đã tạo ra những bong bóng chứng khoán
trên các thị trường thế giới và nhiều hiện tượng không hay khác. Tuy vậy, nếu biết “lợi dụng”
tâm lý đám đông, chúng ta sẽ thực hiện tốt công việc của mình. Ví dụ, để khuyến khích các cư
dân ở một vùng ngoại ô Los Angeles tái chế rác, Wess Schultz đã chia cư dân làm hai vùng. Một