CHƯƠNG 2. CHIẾN LƯỢC KINH DOANH
CHIẾN LƯỢC CẠNH TRANH
Cuốn sách Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors
(Chiến lược cạnh tranh: Kỹ thuật phân tích ngành và các đối thủ cạnh tranh) đã thay đổi
không chỉ lý thuyết, cách giảng dạy mà còn ảnh hưởng to lớn đến cách thực hành chiến lược
cạnh tranh của các công ty. Hàng triệu nhà quản lý, nhà tư vấn và học giả trên khắp thế giới đã
sử dụng những ý tưởng của cuốn sách và áp dụng chúng cho việc đánh giá ngành, tìm hiểu đối
thủ và lựa chọn những chiến lược cạnh tranh. Đến thời điểm hiện tại, cuốn sách đã được tái bản
hơn 60 lần bằng tiếng Anh và được dịch ra 19 ngôn ngữ khác.
Tác giả Michael E. Porter là Giáo sư Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Kinh doanh Harvard.
Ông là tác giả hàng đầu thế giới về chiến lược cạnh tranh. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu, ông
còn tư vấn cho một số chính phủ và nhiều tập đoàn về chiến lược cạnh tranh.
Trong khuôn khổ cuốn sách, người viết chỉ tóm tắt phần Những kỹ thuật phân tích tổng
quát. Đây là phần chính yếu và quan trọng nhất của cuốn sách.
Phân tích năm lực cạnh tranh trong một
ngành
Tình hình cạnh tranh trong một ngành – gồm một nhóm công ty sản xuất
những sản phẩm giống nhau hay dễ dàng thay thế cho nhau – phụ thuộc vào
năm yếu tố cơ bản:
1. Nguy cơ có đối thủ tiềm năng gia nhập thị trường;
2. Cạnh tranh từ các công ty hiện hữu trong ngành;
3. Nguy cơ đến từ sản phẩm hay dịch vụ thay thế;
4. Quyền lực mặc cả của khách hàng;
5. Quyền lực mặc cả của nhà cung cấp.
5 Lực cạnh tranh
Sức mạnh của năm lực cạnh tranh này sẽ quyết định lợi nhuận tiềm năng của các công ty
trong ngành:
Nguy cơ có đối thủ tiềm năng gia nhập thị trường: Những doanh nghiệp mới
gia nhập ngành sẽ mang theo nguồn lực mới, tạo áp lực cạnh tranh và thường
làm giảm lợi nhuận của ngành. Nguy cơ gia nhập mới trong một ngành sẽ phụ
thuộc hàng rào chống gia nhập cùng với những phản ứng chống gia nhập – có thể
dự đoán được – từ các công ty hiện hữu.