toàn. Đối với nhà chuyên môn, vùng an toàn được xác định bằng những công việc họ tự làm
được. Đối với nhà quản lý, vùng an toàn được xác định bằng số lượng những nhà chuyên môn
hay quản lý cấp dưới mà họ quản lý. Đối với doanh nhân, vùng an toàn phụ thuộc vào số nhà
quản lý mà chủ doanh nghiệp có thể trao đổi về tầm nhìn, hướng đi của doanh nghiệp. Khi
vượt ra khỏi vùng an toàn, doanh nghiệp sẽ có ba hướng đi: (1) quay trở lại giai đoạn phôi thai,
(2) phá sản hoặc (3) cố duy trì sự tồn tại.
Quay trở lại giai đoạn phôi thai. Một số chủ doanh nghiệp đã quyết định quay lại giai đoạn
phôi thai. Họ sa thải nhân viên, thuê địa điểm nhỏ hơn và quay lại làm việc cho doanh nghiệp
như những ngày đầu. Chủ doanh nghiệp trở lại kiếp làm thuê, làm thuê cho chính mình, cho
chính công việc kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa khi phải “sống mòn”
trong tình trạng này.
Bị phá sản. Một số chủ doanh nghiệp đã chọn cách tiếp tục tăng trưởng nhanh này. Họ tiếp
tục tăng trưởng nhưng không kiểm soát được và kết quả là tự phá sản.
Duy trì sự tồn tại. Một số chủ doanh nghiệp – có ý chí kiên cường, quyết tâm theo đuổi mục
đích – sẽ chọn phương án duy trì sự tồn tại. Khi đó chủ doanh nghiệp sẽ tập trung cao độ cho
doanh nghiệp. Họ sẽ vắt kiệt sức mình và nhân viên, tận dụng tối đa nguồn khách hàng và
thương thuyết với các nhà cung cấp để có những điều khoản tốt nhất… Đây là giai đoạn khó
khăn mà không phải chủ doanh nghiệp nào cũng “gánh vác” nổi. Nếu duy trì được sự tồn tại
trong một thời gian dài, doanh nghiệp sẽ có cơ may bước vào giai đoạn trưởng thành.
Giai đoạn trưởng thành của doanh nghiệp
Giai đoạn này không hẳn phải tiếp nối hai giai đoạn phôi thai và “thiếu niên” và cũng không
phải là giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển. Các công ty thành công như McDonald’s,
Federal Express, Disney… không dừng lại ở giai đoạn trưởng thành. Họ tiếp tục phát triển từ
giai đoạn này và làm được điều đó nhờ:
Tầm nhìn doanh nhân. Tầm nhìn này giúp cho chủ doanh nghiệp không quá xem trọng
hàng hóa hay công việc. Điều họ quan tâm là doanh nghiệp được tổ chức, hoạt động như thế
nào và làm sao đạt được những mục tiêu đặt ra. Rất nhiều chủ doanh nghiệp đã không có tầm
nhìn doanh nhân vì họ nhìn doanh nghiệp qua lăng kính của nhà chuyên môn. Doanh nhân
nhìn doanh nghiệp một cách tổng thể, bao gồm các thành phần liên kết, còn nhà chuyên môn
lại nhìn doanh nghiệp từ các phần nhỏ trước. Doanh nhân nhìn trước tương lai để xây dựng
hiện tại, còn nhà chuyên môn tiến tới tương lai từ những gì doanh nghiệp đang có trong hiện
tại.
Mô hình kinh doanh cân bằng. Quan điểm của doanh nhân về mô hình kinh doanh lý tưởng
như sau: mô hình này phải trả lời được các câu hỏi “Làm thế nào để doanh nghiệp hướng tới
khách hàng?”, “Làm thế nào để doanh nghiệp của tôi tạo được sự khác biệt với các doanh nghiệp
còn lại?” Quan điểm của nhà chuyên môn về mô hình kinh doanh sẽ cụ thể, ngắn hạn và giới
hạn hơn. Điều quan trọng là chủ doanh nghiệp phải xây dựng được một mô hình kinh doanh
cân bằng và hoàn chỉnh để cả ba người – doanh nhân, nhà quản lý và nhà chuyên môn – đều
thấy được vai trò của mình và thực thi đúng công việc của mình.
Mô hình nhượng quyền - cuộc cách mạng trao tay
chìa khóa thành công
Mô hình nhượng quyền kinh doanh là thành công với ví dụ điển hình của McDonald’s. Người
chuyển nhượng không chỉ cho người mua quyền sử dụng/mượn thương hiệu mà còn cung cấp
cho họ một hệ thống kinh doanh đã được minh chứng hiệu quả. Vì thế, mô hình chuyển
nhượng kinh doanh đã giảm rủi ro và tăng tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp nhỏ lên. Đây
thực sự là một cuộc cách mạng trao tay chìa khóa thành công.