thụ nghiệp ở Trường An; Khấu Tuân sửa chuyện học hành ở làng xã,
dạy Tả Thị Xuân Thu; bậc tướng quân đại thụ Phùng Dị thông hiểu Tả
Truyện, Tôn Tử; Giao Đông hầu Giả Phục thuộc lòng sách Thượng
Thư; Cảnh Yểm hiểu đạo Lão Tử; Sái Tuân xin tiền học sách, lấy đầu
hồ uống rượu làm vui; Lý Trung ham lễ nghĩa khác người đời; Lưu
Long du học Trường An...
Tào Tháo nghe anh ta kể chuyện về Vân Đài nhị thập bát
cứ như đếm của quý trong nhà, trong lòng thầm thán phục:
Người này tinh thông sự tích các danh tướng bản triều, chắc hẳn có ý
muốn thể hiện tài năng ở chốn sa trường?
— Cho nên người giỏi võ cũng phải giỏi văn, để giữ gìn sự
nghiệp, việc binh yên ổn như thế cũng có thể sửa trị dân chính, tuyên
dương giáo hóa. Vì thế người theo võ cũng phải luyện văn là vô cùng
quan trọng, trên thì liên quan đến an nguy của quốc gia, dưới thì can
hệ đến vinh nhục của bản thân. Ngược lại, văn nhân lại cũng nên tinh
thông việc võ. - Đang bàn luận có lý có cứ, chợt anh ta ngưng lại
chẳng nói gì đến chỗ hữu dụng của việc tinh thông võ bị cả.
— Nghe Bản Sơ huynh bàn luận, thật lợi ích vô cùng. - Trước
đây Tào Tháo vốn chỉ thấy Viên Thiệu phong độ ung dung, lúc ấy mới
nhận ra người này kiến thức phi phàm, nói thêm vào, - Mã Viện nghỉ
học tòng quân, Ban Siêu gác bút đi lính, đều thành tuấn kiệt một đời.
— Cho nên gần đây tôi đang nghiên cứu binh pháp, để tiện có khi
dùng đến.
— Ồ? - Tào Tháo chợt cảm giác như gặp được tri kỷ, cậu đã
thuộc nằm lòng đạo binh pháp. Nhưng khác với Viên Thiệu, năm xưa
cậu học binh pháp chỉ nhằm đánh nhau nghịch ngợm, còn bây giờ đọc
lại chẳng qua cũng để tiêu khiển mà thôi.
Khoảng cách giữa hai người không biết từ bao giờ gần gũi hơn
rất nhiều, nói năng cũng không còn vẻ khách sáo như trước nữa. Từ
chuyện binh pháp, họ nói tới chuyện chiến sự ở Tây Bắc, từ thuật cưỡi
ngựa săn bắn, họ nói tới những người ham võ trong triều, từ chuyện