thường, mà mang một khí chất rất riêng. Lại nhìn lên khuôn mặt,
người này búi tóc cao mà không đội mũ, búi tóc bọc khăn chỉ cài bằng
một chiếc trâm ngọc xanh, đôi mày đen thẳng như nét bút, mặt đẹp
như ngọc, mũi thẳng miệng rộng, mắt sáng như sao, đôi tai vì cách quá
xa nên không trông rõ lắm, bộ ria thẳng như nét bút vẽ hình chữ
“nhất”, đen mượt trên miệng, chòm râu dưới cằm thì dài nhỏ rủ thẳng
xuống trước ngực.
— Tôi nghĩ ra rồi, - Lâu Khuê suy nghĩ hồi lâu, bỗng nói, - người
này chẳng phải là Sái Bá Giai đại danh đỉnh đỉnh đó ư?
— Ông ấy chính là Sái Ung?
Tào Tháo đã từng nghe nói về Sái Bá Giai này: Sái Ung người
gốc quận Trần Lưu, từng theo học thầy là Thái phó Hồ Quảng, nhưng
chẳng có chút trung dung như thầy mình. Ông ta thích từ phú, giỏi thư
họa, thông toán thuật, hiểu thiên văn, biết âm luật, đọc khắp kinh sử tử
tập. Dưới triều Hoàn đế
trước, Từ Hoàng, Tả Quản, Đan Siêu, Câu
Viên, Đường Hoành năm hoạn quan ỷ có công giết Lương Ký nên
càng chuyên quyền loạn chính, tiến cử người tài nghệ để nịnh nọt
hoàng đế. Sái Bá Giai bị trưng thỉnh, nhưng không chịu ra mặt nịnh
bợ, gảy đàn cầm đàn hặc ngũ hầu, giữa đường trốn thoát, để lại bài
văn Thích hối ung dung hào sảng khiến thiên hạ phải truyền tụng. Sau
ông được Kiều Huyền vời ra làm dưới trướng, nhận chức Hà Bình
huyện trưởng ở bên ngoài, sau đó thăng lên Lang trung, rồi Nghị lang,
Hiệu thư Đông quán, biên soạn Hán ký - thực là bậc tài tuấn có một
không hai thời nay.
Sái Ung cẩn thận chỉnh trang y phục, chậm rãi đi lên, nhưng chợt
dừng chân lại dưới dốc lắng tai nghe tiếng đàn của Vương Tuấn. Khi
ấy tiếng đàn đã hân hoan hơn trước rất nhiều, ào ào như gió, xum xuê
như rừng, âm thanh cao vợi tầng tầng lớp lớp tựa như những cơn sóng
nối nhau, con sóng sau lại cao hơn con sóng trước, Vương Tuấn cũng
không cúi đầu nhìn xuống dây đàn, mà chỉ nhìn vào gốc đại thụ xa xa