— Bào huynh làm vậy thật khiến tại hạ tổn thọ! Tại hạ có tài đức
gì mà được các vị đa lễ như vậy.
Bào Tín ha hả cười, không còn vẻ tự phụ như khi nãy nữa:
— Những người làm quan thời nay, Bào lão nhị ta chỉ phục có ba
người rưỡi! Người đầu tiên là lão thái phó Trần Phồn, người vì nước
quên thân, tên tuổi lẫy lừng, đứng đầu trong ba người, ta chỉ giận
không sinh sớm mấy năm để theo ông ta xông vào cung cứu giá!
Người thứ hai là Kiều công, chỉ giữ chức Công tào một huyện mà dám
can thiệp vào chuyện của quan lớn có đất phong, lại ra ải đánh đuổi
giặc Khương, giỏi cả văn cả võ, thật đáng khâm phục! Người thứ ba là
lão tư đồ Dương Tứ, một nhà bốn đời công hầu, tận trung tận lực, vì
nước vì dân, không chịu khuất phục trước tên giặc của xã tắc, thật phải
khâm phục! Còn một nửa khâm phục, chính là Tào Tháo huynh đệ, là
hậu duệ của hoạn quan mà có thể “từ bỏ đường cũ”, dám giết thân
thích của sủng thần, chấp pháp không phân biệt quyền quý, được Kiều
công khen ngợi, Hứa Thiệu có lời bình “tôi giỏi đời thịnh, gian hùng
đời loạn”, nhưng ngài vẫn chưa có đại công, nên tại hạ tạm phục ngài
một nửa!
Tào Tháo nghe xong, sung sướng như được uống mật ngọt:
— Quá khen rồi! Quá khen rồi!
Trương Siêu thì chẳng có tâm tư đâu để ý đến chuyện của họ, đỡ
Tang Hồng dậy chạy đến:
— Bào Tín! Sao ngươi lại cướp vật săn của chúng ta?
— Của các ngươi ư? Đến thiên hạ còn phải kẻ có đức thì mới có
được, huống chi là một con hươu? Ai có bản lĩnh bắn được thì là của
người ấy. - Bào Tín vừa nói vừa đỡ lấy con hươu từ trên lưng ngựa
xuống, bưng đến trước Tào Tháo nói, - Lần đầu gặp mặt, không có lễ
vật gì, con hươu này xin được tặng cho Mạnh Đức huynh vậy.
Tào Tháo cười ha hả, quay đầu lại nói với Viên Thiệu:
— Đã nói là ai có được trong tay thì thắng, xem ra phần thưởng
này ta thắng rồi!