số đó lại có một người đàn bà bế con và bọn họ đều nói giọng Ký
Châu, trong lòng vô cùng ngạc nhiên, liền hỏi:
— Các ngươi đều còn trẻ, vì sao không ở nhà cày cấy, lại bỏ quê
quán đến Hà Nam làm gì?
Không ai hỏi thì không sao, vừa thấy câu hỏi của Tào Tháo tức
thì bọn chúng thi nhau than khóc, một tên đáp lời:
— Chúng con bị bắt đi tu sửa hoa viên cho hoàng thượng ạ.
Đó là chuyện của hai năm về trước, hoàng đế hạ lệnh tu sửa lại
mấy ngự viên là: Thượng Lâm uyển, Linh Côn uyển và Tây uyển
trong cấm cung. Sau khi hoàn thành, hoàng đế Lưu Hoành cảm thấy
mấy ngự viên quá nhỏ và quá cũ kỹ, liền chuẩn bị cho khai khẩn đất
hoang ở phía tây thành Lạc Dương, bỏ ra một số tiền lớn dựng một
khu ngự viên to đẹp hơn - Tây Viên. Chiếu chỉ còn chưa chính thức
ban ra, trong triều đã ầm ầm phản đối, nhất là Gián nghị đại phu
Dương Tứ, còn đặc ý dâng sớ can gián.
Nhưng bọn nịnh thần vốn xuất thân từ đám Hồng Đô môn học sĩ
nhãi nhép vẫn tiếp tục mê hoặc hoàng đế, Thị trung Nhậm Chi và Lạc
Tùng thậm chí còn tát nước theo mưa đón ý nói: “Xưa kia Hựu viên
của Văn Vương rộng trăm dặm, mà người ta vẫn cho là nhỏ; Ngự viên
của Tề Tuyên vương rộng năm dặm, người ta vẫn cho là lớn. Nay
hoàng thượng thuận lòng với trăm họ, không có chuyện hại đến chính
sự vậy.” Đem so cả với Chu Văn Vương cơ đấy! Những lời như vậy, ai
dám nói thẳng ra mà cự lại? Mục đích cuối cùng là để Lưu Hoành
không nghe lời khuyên can của trung thần, tự làm theo ý mình. Sau
khi vạch ranh giới lấy đất cho Tây Viên, nhà vua cho vời thợ giỏi khéo
tay các nơi về cùng với dân phu ở kinh kỳ, vất vả khổ sở làm suốt hai
năm, hao phí không biết bao nhiêu tiền của, nhưng khu ngự viên mới
làm được có một nửa.
Tào Tháo trong lòng lấy làm lạ bảo:
— Các ngươi đã làm việc hai năm, mà không có chút tiền công
nào sao?