— Chớ nói như thế, cùng lắm là làm dân bình, sống yên ổn qua
ngày cũng tốt.
Tào Tháo thầm nhủ: “Nhà ta đắc tội với nhiều người quá, e rằng
có muốn giữ mạng sống cũng phải tính toán đủ đường mới có hy
vọng.” Nhưng nếu nói câu đó ra chỉ khiến lão nhân gia thêm lo lắng,
bèn bảo:
— Câu này của tiền bối nói rất đúng. Xin tiền bối đừng chê cười,
chứ phu nhân của vãn bối cũng thường nói như thế.
— Phu nhân thật là người hiền đức! Mạnh Đức ngươi thật tốt số.
Câu nói của ông lão khiến Biện thị đỏ mặt, bèn dắt Hoàn nhi đi ra
ngoài chơi, Biện Bỉnh trông thấy vậy cũng vội chạy theo.
— Lão ngài, đã vào đông rồi mà vẫn làm việc không nghỉ ngơi,
có phải là muốn làm thẻ tre đó không?
— Không phải. Thẻ tre là để chép sách, ta ngần này tuổi rồi,
không muốn đọc sách nữa. Ta muốn tạc một con búp bê cho Hoàn nhi
chơi. Nha đầu này bưng nước đun thuốc hầu hạ ta suốt thời gian dài
như vậy, thật đáng thương.
— Đây là gỗ dâu ư?
— Gỗ dâu! Ở chốn vườn dâu tất nhiên phải dùng gỗ dâu chứ.
Tào Tháo cười nói:
— Vãn sinh chợt nhớ đến câu nói của Mạnh Tử, “nhà năm mẫu
đất, đem để trồng dâu, có thể đủ vải may áo cho năm chục người vậy”.
— Câu này của Mạnh Kha cho đến giờ thì chả còn đúng tí nào
nữa. - Quách Cảnh Đồ lại cầm con dao nhỏ lên. - Người dân trồng
dâu, cũng có người dệt được không ít vải vóc. Nhưng có mấy người có
thể có áo đẹp mà mặc? Vườn dâu của ta ở đây, đâu phải chỉ có năm
mẫu, tất cả đều đem chu cấp cho người dân ở lân cận, nhưng cũng
chẳng đem lại tác dụng gì. Năm ngoái nổ ra cuộc chiến ấy, lại khiến
biết bao nhiêu gia đình khốn khổ... Chính sự hà khắc còn mạnh hơn hổ
dữ vậy.