A Man nghe Tào Nhân nói vậy, cảm giác sợ hãi cũng giảm đi
phân nửa, ngược lại còn có phần kính trọng. Trông thấy Hạ Hầu Đôn
tuy không rõ tuổi tác bao nhiêu, nhưng tài cưỡi ngựa quả là đáng nể,
chở theo tiểu đệ phóng nhanh, đến bờ sông ghìm mạnh dây cương, con
bạch mã to lớn hí dài một tiếng, chân trước chồm lên vươn cao tới sáu
thước, lắc la lắc lư, vậy mà hắn ta vẫn ngồi vững vàng. Hắn ta chưa
cần cất lời, mới chỉ qua động tác như vậy, đã khiến đám huynh đệ Tào
gia sợ hãi lùi lại bốn năm bước. Lũ trẻ nhà họ Hạ Hầu vừa bị đuổi
chạy thấy có cứu viện liền không sợ nữa, lại cụm nhau lại thành từng
nhóm.
Ai cũng thấy rõ, Hạ Hầu Đôn mang theo lửa giận đến đây, nhưng
vì là kẻ học sách hiểu lý lẽ, nên không để lộ, ngồi trên lưng ngựa, chắp
hai tay nói:
— Tại hạ xin có lời chào, các vị đồng hương láng giềng. - Hắn
không xuống ngựa chào, mà vẫn nắm roi, ngồi vững trên yên. Rõ ràng
trong lòng hắn ta đang cảnh giác, chẳng may có lời không đúng sẽ
nhảy xuống ngựa mà đánh liền. Câu ấy vừa nói ra, hai bên bờ sông
chợt im bặt, vẻ trang nghiêm oai phong ấy khiến tất cả đám trẻ đều sợ
hãi, đến nỗi không đứa nào dám đáp lời.
Từ khi A Man về quê đến nay, lần đầu tiên gặp việc thế này,
trong lòng cũng có chút hồi hộp. Nhưng cậu lại nghĩ, oan có đầu, nợ
có chủ, việc đã đến nước này, nếu mình không ra mặt thì bọn chúng sẽ
coi thường, rồi lại nghĩ, một người đã nguyện vì thầy mà rửa nhục thì
hẳn cũng không phải phường điêu man. Thế rồi cậu liền bước lên
trước hai bước, chắp tay thi lễ, đáp:
— Không dám, không dám! Vừa nãy ta dẫn các huynh đệ chơi
đùa, thật là đắc tội! Mong Hạ Hầu huynh đệ lượng thứ.
Hạ Hầu Đôn cũng thoáng giật mình, chẳng hay từ khi nào trong
đám trẻ của Tào gia lại có tên không nói lời thô tục như thế này, cười
nhạt bảo: