truyền chỉ, tuyên bố tô thuế trong cả nước phải nâng lên mười tiền mỗi
mẫu ruộng.
Lưu Hoành muốn dùng biện pháp này để lấy tiền chi cho công
trình Nam cung, nhưng nâng thêm tô thuế lại một lần nữa gây ra sự bất
mãn trong dân chúng. Chưa được vài ngày, quả nhiên lại có giặc Khăn
Vàng ở Hà Bắc nổi lên, bọn thủ lĩnh nghĩa quân hoạt động ở một dải
Hắc Sơn là Trương Ngưu Giác, Chử Phi Yến lại kéo bè kéo đảng, ra
sức cướp bóc phủ đệ nhà quan lại, lật đổ cường hào địa chủ. Do quân
chủ lực của triều đình còn ở tây bắc, nên bạo loạn nổ ra ở Hà Bắc lần
này chưa thể hình thành một trận thế trấn áp có sức mạnh được. Một
thời gian, nổi lên hàng loạt các danh hiệu của bọn tiểu đầu mục của
giặc Khăn Vàng. Một tên đầu lĩnh họ Lý, có đôi mắt trố to, liền gọi là
“Lý Đại Mục” (Lý mắt to), một tên cao lớn, râu ria đầy mặt thì tự
xưng là “Tả Thư Trượng Bát”, thủ lĩnh có xuất thân từ nô lệ nhà quan
thì tự gọi mình là “Tả Hiệu”, kẻ có giọng nói ồm ồm thì gọi mình là
“Lôi Công” (ông Sấm)... Tiếp theo đó, nào là Lưu Thạch, Hoàng
Long, Quách Đại Hiền, Vương Đương, Tôn Khinh, Vu Độc, Bạch
Nhiễu, Thư Cố, Phù Vân, Trương Bạch Kỵ, La Thị... Tên tuổi các kiểu
các loại thổ phỉ nổi lên khắp nơi, rừng xanh núi thẳm các vùng
Thường Sơn, Triệu Quận, Trung Sơn, Thượng Đảng, Hà Nội... không
nơi nào không thấy bóng dáng của quân Hắc Sơn. Triều đình đã không
còn cách nào khống chế, chỉ có thể giữ chặt cửa thành phòng thủ,
không cho chúng có cơ hội tấn công.
Hà Bắc loạn như vậy, mà chiến sự ở tây bắc cũng không hề giảm
bớt. Rợ Khương, Hồ và thổ phỉ tiến vào xâm phạm Lũng Hữu. Hoàng
Phủ Tung và Đổng Trác hết đánh đông lại đánh tây, tuy đã đuổi được
phản tặc ra khỏi khu vực Trung Nguyên, nhưng cũng không còn đủ
khả năng để tiếp tục truy kích. Cục thế ở Lương Châu vô cùng hỗn
loạn, thứ sử Tả Xương bị bãi chức, người kế nhiệm là Tống Niểu lại
chỉ là một kẻ thư sinh, càng không có cách nào chặn giặc. Không còn
cách nào khác, lại một lần nữa đề xuất tuyên truyền Hiếu kinh để cho