giặc lui binh, diễn lại một lần nữa vở hài kịch của Hướng Hủ khi xưa.
Rợ Khương dã man, ác bá hung hãn, thổ phỉ ác ôn mỗi nhóm chiếm cứ
một phương, không những tập kích vào quan thành mà còn tàn sát lẫn
nhau, dân chúng khổ sở không nói nên lời, khu vực từ quận Trương
Dịch về phía tây hoàn toàn thoát khỏi tầm khống chế của triều đình.
Mặc dù đang ở trong cục diện rối ren bất lợi như vậy, nhưng
hoàng đế vẫn không từ bỏ việc áp bức dân chúng, dường như không tu
sửa lại được Nam cung thì nhất quyết không ngừng tay vậy, ra lệnh
cho tất cả các quận huyện để khống chế, kiên trì mỗi mẫu ruộng thu
thuế mười tiền, nếu kẻ nào chống đối sẽ nghiêm trị không tha.
Việc này truyền đến Tế Nam quốc, Tào Tháo lại phải một phen
vò đầu bứt tai. Việc y chỉnh đốn quan lại cai trị mới vừa bắt đầu có
hiệu quả, vừa được thấy tham quan ô lại ở Tế Nam cơ hồ bị cấm tuyệt,
thì chính lệnh hà khắc của triều đình lại ban ra. Một mẫu ruộng tốt
cũng không làm ra được ba hộc lúa, trừ đi mười tiền thuế thì còn lại
không được bao nhiêu, đó chẳng phải là bức trăm họ vào chỗ chết
sao? Tào Tháo tự nhốt mình trong phòng suy đi nghĩ lại, nếu mình
không chấp hành chính lệnh của triều đình thì kết quả sẽ thấy ngay
trước mắt, bản thân chắc chắn sẽ phải đi khỏi Tế Nam. Nếu vậy thì kết
cục sẽ thế nào? Tiền đồ của mình tạm không bàn đến, dẫu sao cũng sẽ
có phụ thân giúp cho, sẽ không có tổn thất quá lớn. Nhưng còn dân
chúng ở Tế Nam? Khó khăn lắm mới thay đổi được cục diện không
còn tham quan ô lại thế này?
Cuối cùng Tào Tháo cũng phải chịu khuất phục, y chỉ có thể làm
theo ý chỉ của hoàng thượng, nâng mức tô thuế lên cao. Vì chuyện đó,
Tào Tháo lại cất công ra tận đồng ruộng để xem dân chúng làm lụng.
Bách tính nghèo khổ, đến trâu cày cũng đã phải bán đi, vất vả đồng
áng mưu sinh, người nào người nấy gầy như que củi, đến nước mắt
cũng cạn khô không còn nữa. Nhà giàu địa chủ, tuy có ruộng, nhưng
vẻ mặt cũng không an, nhờ tấm gương của quân Khăn Vàng “dạy dỗ”,
họ cũng không dám uy hiếp những người cày thuê cấy rẽ nữa. Tô thuế