đã ý thức được rằng, chức thái úy này của mình đang vô cùng nguy
ngập, người ta nói chẳng để quá tam ba bận, nếu lại xảy ra việc phản
loạn một lần nữa, vị trí của mình sẽ không còn giữ được nữa.
Tào Tháo thì không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những
phiền muộn của cha mình như vậy, toàn bộ tâm tư của Tào Tháo đang
dồn vào việc chỉnh đốn lại quân đội. Mấy đội ngũ quân mã này của Hà
Tiến, gặp phải vấn đề lớn nhất là lương thảo không đủ. Năm quân bảy
thự của nhà Hán đều là con em của các gia tộc công khanh, hiệu lệnh
nghiêm túc, quân dung chỉnh tề. Nhưng còn cánh quân này thì thực vô
cùng rối loạn, trên lên đến con cháu nhà quan, dưới xuống đến bình
dân bách tính, thậm chí có cả những tù nhân được ân xá ra, rồi giặc
cướp xin đến đầu hàng. Khốn khổ nhất là người ở khắp mọi vùng đều
có mặt, khi truyền lệnh cho binh sĩ có lúc phải dùng đến mấy loại khẩu
âm tiếng nói. Chuyện đó cũng không trách được, thiên hạ làm phản
khắp nơi, mà những người này đều là quân tinh nhuệ dẹp loạn nhiều
năm. Hà Tiến lại không hiểu cách cầm quân, quân đội trước đây đều
giao phó cho những kẻ thô lậu như Ngô Khuông, Trương Chương
thống lĩnh, càng để thả lỏng đến độ đám quân này chẳng có quy củ gì
hết. Vì thế việc đầu tiên của bọn bảy người Viên Thiệu, Bào Hồng,
Tào Tháo sau khi nhận chức là phân biệt quê quán, điều chỉnh sắp đặt
lại từ đầu.
Sáng sớm mỗi ngày, bảy hiệu úy lại ở Đô Đình thao luyện binh
mã. Đến buổi chiều thì đến phủ đại tướng quân báo cáo. Nói là báo
cáo, nhưng Hà Tiến chẳng hiểu việc gì cả, thực tế chỉ là bảy hiệu úy
thảo luận với nhau những điều tâm đắc của mình. Sau khi hết hai
tháng, Tào Tháo tựa hồ có cảm giác rằng mình đã sai, dường như chức
vụ mình làm không phải là làm quan cho triều đình, mà giống như
nắm một lực lượng vũ trang thuộc về đám sĩ nhân thì đúng hơn.
Nhưng đằng sau cảm giác tự do ấy còn ẩn chứa một biến số, đó là đội
ngự kỵ ở Tây Viên vốn trước đây đồng ý cùng gộp lại nhưng đến nay