những vùng kém nhất chín châu. Vì thế thời Tiền Hán, Hoài Nam
vương Lưu An thảo phạt Nam Hải vương, còn chưa gặp quân địch, số
quân bệnh chết đã đến quá nửa. Chuyện cấy cày cuốc xới của bách
tính lại càng chẳng thu được kết quả là bao.
Nhưng đến khi Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, dân ở trung
nguyên vì tránh loạn đã lũ lượt kéo đến Dương Châu khai hoang. Đến
thời Hiếu Cảnh hoàng đế, Lư Giang Thái thú Vương Cảnh sửa sang lại
đập Thược Bi, dẫn nước tưới cho hàng vạn mẫu ruộng. Thời Hiếu
Thuận hoàng đế, Cối Kê Thái thú Mã Trăn bắt đầu xây Kính Hồ, lại
khai khẩn được hơn chín ngàn mẫu ruộng. Từ đó về sau Dương Châu
ngày một sung túc, đất đai ngày một màu mỡ, lại thêm nghề chài lưới,
săn bắt, hái lượm, hoa quả dồi dào, cuộc sống dân sinh đã không khác
gì trung thổ.
Trị sở của Thứ sử Dương Châu ở Lịch Dương, huyện này thuộc
quận Cửu Giang, ngay bờ bắc Trường Giang. Trần Ôn gặp lại Tào
Tháo vô cùng phấn khởi, cùng nhớ lại chuyện xưa cùng làm Nghị lang
trong triều, còn bỏ ra nửa ngày nhàn nhã, cưỡi ngựa dẫn theo bọn Tào
Tháo ra bờ sông du lãm. Tào Tháo tuy đã ba mươi sáu tuổi nhưng đây
là lần đầu được đến Dương Châu. Xuất phát từ Toan Táo, đi qua Dự
Châu, Tào Tháo chỉ thấy cảnh tan hoang của trung nguyên, nhưng
xuống đến Giang, Hoài cảnh vật lại hoàn toàn đổi khác. Lúc này đứng
trước Trường Giang, ngắm nhìn núi non gấm vóc, đất đai phì nhiêu ở
bờ bên kia, Tào Tháo lại thấy mình như vừa trải qua một giấc mơ, thấp
thoáng cảm thấy chuyện bạo ngược tàn hại bách tính của Đổng Trác
tựa chỉ là cơn ác mộng hư ảo.
— Mạnh Đức, huynh thấy cảnh tượng dòng đại giang này thế
nào? - Trần Ôn vui cười hỏi.
— Ngu huynh thực không dám nhìn.
— Vì sao thế?
— Ta sợ là nhìn rồi sẽ lưu luyến quên về, quên cả đại nghĩa quốc
gia. - Tào Tháo quay mặt, lại nhìn về phương bắc, - Giang Nam tuy