Viên Thiệu bao giờ cũng vậy, làm bất cứ việc gì đều cho những
bộ hạ thân tín thể hiện thái độ trước, nhằm để mọi sự danh chính ngôn
thuận, mũ áo đường hoàng. Nói cho văn vẻ đó gọi là rộng thu ý kiến,
khiêm tốn lắng nghe, nói thô tục một chút đó là ngụy tạo giả bộ. Tào
Tháo rất không ưa tác phong này của Viên Thiệu, nhưng cũng đôi khi
phải thầm bội phục Viên Thiệu mưu sâu tính kỹ, hơn nữa mỗi khi Viên
Thiệu thực hiện chiêu bài này Tào Tháo luôn phối hợp tích cực, dẫu
sao nay mình vẫn gửi thân dưới dậu người ta.
Hỏi liền năm sáu người, ai nấy đều tỏ ý tán thành, cuối cùng Viên
Thiệu cũng lộ rõ bộ mặt thực, hỏi Bàng Kỷ:
— Tuy đoạt Ký Châu không phải không thể, nhưng Ký Châu
binh lính mạnh tợn, trong khi quân ta thiếu đói, nếu đánh không thắng,
coi như Bột Hải cũng chẳng thể giữ được, sẽ không có chỗ dung thân.
Nguyên Đồ có diệu kế gì chăng?
— Tại hạ có kế này có thể đảm bảo tướng quân không phí tên
lính nào mà vẫn ngồi trấn được Ký Châu.
— Mau nói ra xem. - Viên Thiệu mắt sáng lên, tỏ vẻ nghiêm túc
không để lộ nét vui mừng.
Bàng Kỷ đứng dậy bước đi mấy bước, vân vê chòm ria mép vểnh
lên, nói:
— Hàn Phức là kẻ nhu nhược, xác cọp gan cừu, thực không xứng
ngồi trấn Ký Châu. Nay có bộ tướng Ký Châu là Khúc Nghĩa mưu
phản, Hàn Phức đến An Bình thảo phạt chưa thắng, đó là nội ưu (nỗi
lo bên trong). Chúng ta chỉ cần tạo cho ông ta một ngoại hoạn (hoạn
nạn bên ngoài) nữa, Hàn Phức tất sẽ mất sạch can đảm. Đến lúc ấy ta
lại sai người dùng lý lẽ mà thuyết phục, tất có thể khiến ông ta hai tay
dâng Ký Châu lên vậy.
— Vậy cái ngoại hoạn kia nên tạo thế nào đây?
— Dụ Công Tôn Toản xuất binh.
Tào Tháo nghe Bàng Kỷ nói ra cái tên Công Tôn Toản, trong
lòng cảm thấy thực đáng ghét.