Quả nhiên, Tuân Úc kiến nghị:
— Theo ý tại hạ, dù sứ quân muốn kiểm hạch thay đổi các chức
vụ lớn, vẫn phải dùng một số đại tộc, có thể chọn lấy những kẻ có
danh vọng, có tiết tháo lại không chiếm tài sản của dân chúng, cho họ
đảm nhiệm các chức ở quận huyện để làm gương, chắc hẳn có thể cải
thiện được thói đời ở bản châu. Tại hạ thấy họ Lý ở Cự Dã dạo gần
đây cũng không tệ, Lý Càn giúp ngài dẹp yên Khăn Vàng, tử đệ đồng
tộc của ông ta hiện cũng rất khuôn phép, nên tìm những người như vậy
mà chọn lựa ạ.
Có câu “trị thiên hạ như nấu cá nhỏ”, cách làm của Tuân Úc
tưởng thô vụng, nhưng lại là kiến thức mưu quốc khôn ngoan, Tào
Tháo chỉ biết gật đầu đồng ý, liền hỏi Trần Cung:
— Công Đài, bản châu còn có kẻ sĩ tuấn dật nào có thể lấy ra
được không?
Lấy ra được là thế nào? Trần Cung càng nghe càng thấy trái tai,
nhưng vẫn cười nói:
— Có ạ, ở huyện Tuấn Nghi, Trần Lưu có một vị, là Biên Văn Lễ
tiếng tăm vòi vọi ạ!
Biên Nhượng!? Tào Tháo nheo mắt, hiềm khích giữa ông và Biên
Nhượng có thể nói là không hề nhỏ. Người này là bằng hữu của Hoàn
Thiệu, Viên Trung. Nay Hoàn Thiệu với Tào gia thù sâu như biển,
năm xưa Viên Trung nhân việc triều đình cho trưng vời Tào Tháo đã
từng chế nhạo ông. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, Biên Nhượng
kia cũng luôn phỉ báng Tào Tháo, lúc nào cũng lôi chuyện ông là hậu
duệ của hoạn quan và từng đánh chết người ra kể lể mãi, thậm chí
ngay trong mạc phủ của Đại tướng quân Hà Tiến còn nhục mạ Tào
Tháo ngay trước mặt mọi người. Nay lại mời người ấy ra làm việc, há
chẳng phải tự chuốc nhục ư? Nhưng tiếng tăm của Biên Nhượng rất
lớn, sánh ngang với Khổng Dung, ông ta viết Chương Hoa phú quả là
xuất thần nhập hóa, xứng đáng là lãnh tụ của văn đàn khi ấy. Còn tài
năng thì càng khỏi cần nói, nếu thực sự có thể lay chuyển được người