Cưỡng bức cũng được, tự nguyện cũng được, dẫu sao Hà Quỳ đã từng làm
quan với Viên Thuật, vả lại Hà Quỳ cũng có chút thân thích với Viên gia,
ông ta thừa hiểu Tào Tháo muốn thử ý mình, bèn thong thả vuốt râu nói: -
Thuận thì được trời giúp, tín thì được người giúp. Viên Thuật không có tín
thuận, mà muốn được trời, người giúp cho, chuyện ấỵ chưa từng có trong
thiên hạ. Phàm kẻ làm chúa mà vô đạo, thì thân thích còn chống lại, huống
hồ là binh sĩ tay chân? Theo ý Quỳ này, tất là sẽ loạn vậy!
Tào Tháo nghe ông ta nói toàn những chuyện nhân nghĩa đạo đức, nhận
thấy người này có vẻ hơi hủ lậu, nhưng vẫn khen ngợi bảo: - Viên Thuật tự
ý tiếm hiệu làm thành một nước riêng. Kẻ lập quốc mà để mất hiền nhân thì
hỏng, Viên Thuật không thể giữ được danh sĩ như Hà tiên sinh ngài, thì tan
vỡ bại vong chẳng phải chỉ là chuyện sớm muộn thôi sao?
Hà Quỳ xua tay khiêm nhượng, lại chỉ tay vào một người ở bên đường,
cười nói: - Tại hạ chẳng qua chỉ là kẻ mang hư danh, ở đây còn có người
mà ngài đã trông mong từ lâu vậy!
Tào Tháo nhìn theo hướng tay ông ta chỉ, thấy ở phía ấy có vị quan viên
mặc áo xanh thắt đai đen, trông dáng vẻ chưa tới bốn mươi tuổi, nhưng
khuôn mặt phong sương, có không ít nếp nhăn, lộ rõ vẻ gầy gò, cặp lông
mày thưa mỏng, đôi mắt to sâu, râu ria cũng mang màu khô vàng. Tướng
mạo ấy trông rất quen, nhưng Tào Tháo nhất thời không nghĩ ra là ai.
Người ấy vái chào nói: - Tào công, trước đây cùng là tân khách trong mạc
phủ, ngài từ Lạc Dương chẳng từ mà đi, từ đó đến nay mỗi người một nơi
không được gặp gỡ. Ngài vừa viết thư cho tại hạ, lại thăng quan cho tại hạ,
sao tại hạ đến trước mặt ngài, mà ngài lại khống nhận ra vậy?
- Ông, ông là... là Công Đạt đây mà! - Tào Tháo gần như không dám nhận.
Tuân Du cười vẻ thê lương: - Mấy năm nay tại hạ trải qua biết bao phong
sương khổ sở, tướng mạo đều đã đổi khác cả.
Câu ấy thực không sai. Năm xưa Tuân Du làm duyên thuộc dưới trướng đại
tướng quân Hà Tiến, sau đó lại giữ chức Hoàng môn thị lang, khi ấy phong
lưu tiêu sái, thực chẳng kém gì Quách Gia bây giờ. Nhưng thế sự đa đoan,
Đổng Trác về kinh gây họa triều chính, ông ta cũng bị bắt đến tây kinh
Trường An. Vì cùng Hà Ngung lập kế hoạch giết Đổng Trác, nên bị giam