Nghiệp Thành đại tang
Tào Tháo không hề biết rằng trong khi ông rời Tuy Dương lên
Duyện Châu thì Viên Thiệu - vị bằng hữu cũ và cũng là đối thủ của
mình đã đi đến những giây phút cuối của cuộc đời.
Thực ra từ sau chiến bại ở Thương Đình, sức khỏe của Viên Thiệu
đã ngày một giảm sút, tuy một năm nay ông cố gắng gượng điều binh
khiển tướng, nhưng đó chẳng qua chỉ là được chống đỡ bởi tính cố
chấp và lòng kiêu ngạo nên mới không bị gục ngã. Đến khi Tào Tháo
lui về Hà Nam rồi, Viên Thiệu cuối cùng đã đổ bệnh không thể dậy
được nữa, tất cả thuốc thang đều vô tác dụng, dần dần bệnh đã vào đến
cao hoang...
Một ngày tháng Năm, năm Kiến An thứ bảy (năm 202 sau Công
Nguyên), sau một thời gian nằm bệnh lâu ngày, Viên Thiệu bỗng cảm
thấy tinh thần đỡ hơn một chút, toàn thân nhẹ nhõm, nỗi buồn bực chất
chứa trong lòng bấy lâu cũng đã vơi đi rất nhiều. Đám thê thiếp và bộc
tòng thấy Viên Thiệu ăn thêm được nửa bát cháo nhỏ so với bình
thường đều nhao nhao chúc mừng, Viên Thiệu cũng nở một nụ cười
vốn vắng bóng lâu nay với họ.
Cười thì cười vậy, nhưng vốn là người biết nhiều hiểu rộng, trong
lòng Viên Thiệu rất rõ, đây có lẽ cũng giống khoảnh khắc sáng bừng
trước khi tắt của ngọn nến. Lưu thị - vợ của Viên Thiệu - đã âm thầm
sai người chuẩn bị sẵn quan quách và đi tìm đất đặt mộ. Ba con trai
cũng kín đáo dặn dò người ở may áo tang, để tránh khi việc đến chân
lại bối rối. Đừng tưởng Viên Thiệu nằm im trên giường không biết gì,
những chuyện ấy ông đều biết cả. Mảnh đất Hà Bắc này Viên Thiệu đã
phải vất vả phấn đấu mới có được, tất cả mọi người, mọi việc trên đất
này Viên Thiệu đều hiểu rất rõ, rõ như chính cơ thể mình vậy.
Chính vì Viên Thiệu có thể dự cảm được rằng sau khi mình chết sẽ
xảy ra chuyện gì, nên ông thấy cần phải dặn dò kỹ lưỡng mọi việc trước
khi nhắm mắt xuôi tay. Nhân hôm nay tinh thần thoải mái, Viên Thiệu