Tào Tháo chỉ mong Trần Đăng chết sớm, nhưng ngoài miệng vẫn
giả vờ nói:
— Nguyên Long tài trí phi phàm, vậy mà lại mắc phải chứng nan
y, ông trời thật bất công quá! Nhưng đám phương sĩ vu y trên thế gian
đều hay dọa dẫm khiến người ta nghe phải sợ, lúc bắt mạch thì nói là
chứng bệnh nan y, đến lúc chữa khỏi liền tự khoe khoang là tài năng
của mình. Hoa Đà kia thực ra là đồng hương với lão phu, tuy cũng có
chút tài mọn nhưng ông ta nói không cứu được cũng chưa hẳn đã là thế.
— Minh công bận rộn bên ngoài cũng có khi không biết, Hoa Đà
hoàn toàn không phải là đám giang hồ thuật sĩ, ông ta chẳng những tinh
thông y thuật mà còn thông hiểu kinh thư. Tuy vọng, văn, vấn, thiết,
đều theo phép tắc, nhưng hoàn toàn không lấy đó làm nghề chính,
ngay cả những kẻ quan cao chức trọng tìm ông ta nhờ xem bệnh cũng
không dễ dàng gì. Chỉ vì phụ thân của Trần Quận tướng là Trần Hán
Du khi làm chức Bái Quốc Tướng từng xét hiếu liêm cho Hoa Đà, nên
nhờ mối ân tình riêng ấy mới mời được ông ta. - Trần Kiều vẻ thành
thực, - Tại hạ có đề nghị thế này, sao minh công không vời người này
vào mạc phủ, một là giao cho ông ta một công việc đàng hoàng, hai là
nếu minh công trong người không khỏe có thể gọi ông ta đến bắt mạch
kê đơn cho.
Từ Tuyên từ lúc thi lễ với Tào Tháo đến giờ vẫn đứng một bên,
tận đến khi nghe được như vậy mới nói chen vào:
— Quý Bật nói sai rồi! Khổng Tử nói: “Quân tử bất khí”,
đám
đồng cốt thầy lang, thợ thuyền, đầu bếp, hát xướng, tuyệt không phải
hàng sĩ đại phu. Hoa Đà không làm việc chính đạo mà lại đi nghiên cứu
phương thuật, há chẳng phải là gốc ngọn đảo lộn ư? Quý Bật hiện đã là
duyện thuộc trong mạc phủ, không tiến cử bậc đại tài lên cho chúa
Công, sao lại đề bạt đám hãnh tiến tà đạo ấy chứ?
Từ Tuyên với Trần Kiều tuy cùng là người Quảng Lăng, đều cộng
sự giúp sức dưới trướng của Trần Đăng nhiều năm, nhưng thường bất
hòa với nhau. Trong cuộc chiến Quan Độ, một người mượn binh quân