Mấy ngày trước cháu có đọc ba bài thơ của Khổng Văn Cử viết cho
Tào công, thật sự là lạ lùng! Trong đó có mấy câu như: “Từ Lạc đến
Hứa xa ngút; Tào công phụ quốc vô tư; Giảm bớt chi dùng xa xỉ; Quần
liêu nườm nượp theo đi”. Đại nhân nghe xem, thơ lục ngôn này có lạ
lùng không?
Tuân Úc lại không lấy gì làm lạ:
— Thơ lục ngôn đã phổ biến, đâu có hiếm hoi gì. Trong Quy Điền
Phú của Trương Hành có câu: “Dạo thành ấp đã lâu lắm; Chẳng tài
lược mà giúp đời; Đến bên sông thường thích cá; Nơi dòng trong hẹn
chửa xuôi.” Đó chẳng phải cũng là lục ngôn ư?
— Cái này không giống như vậy. Của Khổng Dung đây không
phải là tản cú, không có nhiều “chi hồ giả dã” như vậy, đây mới thực sự
là thơ đúng nghĩa! - Hạ Hầu Thượng lắc lư đầu, lại cất giọng ngâm nga,
tựa hồ như rất say sưa, - Quách Lý phấn loạn tranh li; Dời đô Trường
An muốn về; Trông mãi đông kinh thảm buồn; Mong Tào công trở lại
luôn...
— Chỉ cần thơ viết cho hay, thì lục ngôn có gì là không được? -
Tuân Úc vuốt râu cảm thán, - Từ sau khi Sái Ung chết đi, vẻ văn nhã
phong lưu của sĩ nhân không còn nữa, những bậc tài hoa như Khổng
Văn Cử ngày càng ít đi. Đáng tiếc thay, đáng tiếc thay...
Hạ Hầu Thượng thầm cười lão tiên sinh đã bước vào con đường
mà cậu ta mở ra, quay sang phía Tào Phi nháy nháy mắt. Tào Phi hiểu
ý, vội rút từ trong tay áo ra một mảnh lụa, cười nói:
— Lệnh quân tinh tường thơ văn, sáng lòng sáng mắt, xin hãy xem
bài thơ này viết thế nào?
Tuân Úc miễn cưỡng cầm lấy xem, thấy trên mảnh lụa viết:
Gà trống lông sặc sỡ;
Đôi cựa sắc như dao.
Nguyện tỏ tài uy vũ;
Hội chiến giữa sân trào.