Tháo từ trước đến nay luôn như một con mãnh hổ chuyên quyền hống
hách, nhưng những gì Tào Tháo thể hiện ra hôm nay lại y hệt một con
cừu non. Kinh Châu Biệt giá Lưu Tiên phụng mệnh Lưu Biểu đến Hứa
Đô, đầu tiên là để triều kiến thiên tử, thứ hai là để hòa giải việc chiến
sự.
Nào ngờ sau khi dâng tấu chương thay cho Lưu Biểu xong, Lưu
Tiên liền bắt đầu kể tội Tào Tháo. Nào là giả mượn thánh mệnh công
phạt chư hầu, vô cớ hưng binh xâm phạm Kinh Châu, đem trách nhiệm
trong cuộc chiến ở Nam Dương lần này đổ hết sang cho Tào Tháo, hơn
nữa còn công nhiên nói quận Nam Dương vốn là đất của Kinh Châu, về
lý nên thuộc quyền quản hạt của Lưu Biểu.
Chức Biệt giá chẳng qua chỉ là một chân giúp việc dưới quyền
Thứ sử ở châu, nếu không có lý do đặc biệt thì căn bản không có quyền
vào điện, ông Biệt giá họ Lưu này chẳng những được gặp thiên tử, lại
còn dám công kích bậc tể phụ đương triều ngay trên điện, khiến văn võ
cả triều đều phải há mồm tròn mắt, tất cả đều cho rằng Tào Tháo nhất
định sẽ lấy mạng người này. Không ngờ Tào Tháo chỉ cầm hốt đứng
yên không nói một lời, bất luận Lưu Tiên nói gì đều nhẫn nhịn, thậm
chí còn bằng lòng với yêu cầu giao lại Nam Dương.
Hành động bức người quá đáng của Lưu Tiên, đừng nói đến phe
của Tào Tháo, mà ngay cả những đại thần xưa nay không liên quan đến
Tào Tháo cũng không thể chấp nhận. Điện Ngọc Đường vốn là chốn
trang nghiêm, vậy mà các đại thần đều không nhẫn nhịn nói nghiêng
đầu ghé tai, có kẻ thấy Lưu Tiên công kích Tào Tháo thì thầm lấy làm
thích thú, có người cho việc này là nỗi nhục nhã với triều đình, lại có
kẻ phẫn nộ bất bình thay cho Tào Tháo. Quang Lộc huân Hy Lự là
nhân sĩ ở Sơn Dương, Duyện Châu, trước nay vẫn thân thiết với phe
Tào Tháo, thấy cảnh tượng ấy liền bước ra nói chen vào:
— Những gì Lưu Biệt giá vừa nói đều là bịa đặt. Quận Nam
Dương tuy ở Kinh Châu, nhưng cũng là của thiên tử, Lưu Kinh Châu
chiếm đất của triều đình như vậy lẽ nào lại không phải là ngỗ nghịch?