Lưu Tiên cũng là một nhân vật tiếng vang như chuông ở Kinh
Châu, kiến thức không hề tầm thường. Ông ta đã nắm rõ đến tám chín
phần mười đầu đuôi việc chiến sự ở Nam Dương rồi, liệu rằng Tào
Tháo vội vàng lui quân là để lên phía bắc. Trong thời điểm quan trọng
này, dù có đưa ra điều kiện hà khắc hơn nữa, Tào Tháo cũng không thể
không bằng lòng nghe theo, nhân cơ hội này được thỏa sức cứ thỏa sức,
cho nên mới dám đại ngôn ngay trước điện mà không kiêng dè gì cả,
không ngờ giữa chừng lại có Hy Lự chặn lại. Khắp trong thiên hạ, đâu
chẳng phải là đất của thiên tử, đó là lý do không thể tranh cãi. Tuy nói
Tào Tháo chuyên quyền triều chính, nhưng chỉ cần lấy thiên tử ra làm
chiêu bài, tất mọi lý do đều có thể không đánh tự tan. May cho Lưu
Tiên nhanh trí, thoáng chút suy nghĩ, lập tức tranh biện:
— Khi xưa Lưu Sứ quân một mình một ngựa đến nhận chức, đã có
công dẹp loạn thổ hào, đánh đuổi Viên Thuật, cho nên khi còn ở Tây
Kinh, triều đình đã phong cho là Trấn Nam Tướng quân, Kinh Châu
mục, phong tước Thành Vũ hầu, có quyền được mang cờ mao tiết. Đã
có quyền mang cờ mao tiết thì có thể khống chế một châu. Hạ quan nếu
chẳng nhớ lầm, Tào công cũng có quyền mang cờ mao tiết, nhưng
quyền khống chế thì e chẳng phải chỉ dừng ở một châu?
Tào Tháo tuy nét mặt không lộ vẻ gì, nhưng trong lòng lửa giận đã
bốc cao ba trượng, chỉ vì tình thế bức bách nên không thể phát tác ra
mà thôi. Khi nãy Hy Lự bước ra biện bác, Tào Tháo cũng thầm hy vọng
có thể cho Lưu Tiên kia thế nào là lễ độ, nào ngờ lại càng làm mình
mất mặt thêm, Tào Tháo thực sự không thể nhẫn nhịn được nữa, cười
nhạt nói:
— Không sai, bản quan đúng là có kiêm chức Duyện Châu mục.
Nhưng việc đại sự quốc gia, chỉ có tế lễ và binh nhung, Lưu Sứ quân ở
Kinh Châu tự ý làm lễ tế trời đất, e rằng đó không phải là kẻ có quyền
mang cờ tiết mao được làm chứ?
Kẻ bề tôi mà tế trời đất là tiếm vượt, Tào Tháo nghĩ câu này có thể
áp chế hoàn toàn Lưu Tiên, nào hay ông ta vẫn đối đáp như thường: