thưởng phạt của bậc tiên vương xưa là để trừng ác khuyến thiện, làm
tấm gương sáng cho đời sau. Viên Thiệu kia xưa nay vẫn mang lòng
phản nghịch, trên nhòm ngó đến ngôi báu, dưới thì can dự vào kỷ
cương. Chúa công lần này lại đến đây khóc lóc trước mộ kẻ nghịch
thần, gia ơn tới quyến thuộc kẻ tham tàn, tuyệt không phải là lễ chính
đạo. Dù có được lòng sĩ nhân Hà Bắc, cũng là việc làm mất thể diện.
Đứng cách ông ta không xa là Trần Kiều, hai lão oan gia này
không có việc gì là không tranh cãi với nhau, nếu Từ Tuyên nói đông,
Trần Kiều tất sẽ nói tây. Lúc này nghe thấy lời Từ Tuyên nói, Trần
Kiều lập tức phản bác:
— Lời Bảo Kiên sai rồi! Khi xưa Cao Tổ và Hạng Vũ cùng nhận
mệnh của Hoài Vương, ngoài miệng thề ước huynh đệ, cho nên Hạng
Vũ chết rồi, Cao Tổ đã hậu táng long trọng. Lẽ nào đó cũng không phải
là chính đạo? Viên Thiệu với chúa công từng là bạn cũ, trong khi thảo
Đổng lại là minh chủ nghĩa quân, tuy đông tây hai đường, nhưng chiếu
cố đến tình xưa có gì không đúng chứ? Vì nghĩa chung mà thảo phạt,
lấy ơn riêng mà khóc thương, không đem ân phụ nghĩa, cũng không vì
nghĩa mà bỏ ân, đó chính là chỗ khoan dung, độ lượng của chúa công
vậy!
Những câu ấy đánh đúng vào mục đích mà Tào Tháo muốn, mọi
người cùng lũ lượt gật đầu.
Từ Tuyên nào chịu kém, lập tức đốp lại:
— Đã ở ngôi cao cũng nên làm việc thận trọng, chúa công đâu
phải dân thường mà là đại diện cho triều đình, há có thể cúi mình bái tế
kẻ địch? Những lời ông nói chỉ là cưỡng từ đoạt lý thôi.
— Quan viên, bách tính vốn cùng là một, đó là thường tình của
con người, ông mới chính là cưỡng từ đoạt lý. Khi xưa...
Hai người càng nói càng to tiếng, khiến những người khác cũng
không khóc nữa, đều ngoảnh cả lại xem bọn họ tranh cãi. Tuân Du vội
vàng can: