giao cận công, xa mạnh hợp yếu, không thể vì lợi ích nhất thời mà cùng
lúc đối địch với ba nhà!
Đạo lý quân sự đơn giản như vậy Tào Tháo há lại không hiểu?
Huống chi những nhân sĩ mưu trí như Tuân Du, Quách Gia, Hứa Du
đều ở đây cả, đâu đến lượt Trương Hoành - một tai mắt của họ Tôn
nhắc nhở. Nhưng hôm nay Tào Tháo cố ý bày ra trận thế này nhằm
đánh động Tôn Quyền, rồi mượn lời Trương Hoành nói cho Tôn Quyền
biết hiện nay ai mới là kẻ mạnh trong thiên hạ. Cho nên khi nghe thấy
Trương Hoành vội vội vàng vàng nói hết câu, Tào Tháo mới lau miệng,
giả bộ than thở:
— Viễn giao cận công, xa mạnh hợp yếu, đạo lý chính là ở đó.
Nhưng huynh đệ họ Tôn đã làm những việc thái quá. Chuyện ở Quảng
Lăng tạm chưa nói đến, quận Lư Giang cũng có thể không cần so đo.
Chỉ nói đến việc trưng vời những sĩ nhân lánh nạn thôi, triều đình đã
cho vời Hoa Hâm, Vương Lãng từ mấy năm nay nhưng Tôn gia không
chịu thả người, há chẳng phải công nhiên đối chọi với triều đình ư? Cứ
nghĩ đến chuyện ấy ta lại thấy giận... - Vừa nói, Tào Tháo vừa dằn
mạnh cái chén xuống, làm rượu bắn ra khắp bàn.
Trương Hoành thấy thần sắc Tào Tháo thay đổi, đang suy nghĩ
xem giải thích ra sao cho vẹn toàn thì Khổng Dung chợt nói chen vào:
— Tử Cương này, ngài tuy nhận chức của triều đình, nhưng dẫu
sao cũng chỗ thân tình với Tôn gia. Ngài nên chăng viết thư khuyên
Tôn Quyền, bảo hắn thả cho người ta đi được không? - Lưỡi dao bén
ngọt ấy thật lợi hại, chỉ một câu đã nói rõ tất cả.
Trương Hoành lườm Khổng Dung, hận đến độ nghiến răng ken
két, nhưng đâu dám nói một tiếng “Không”, vội vàng gật đầu đồng ý:
— Lẽ tất nhiên, việc này hạ quan sẽ làm, xin Tào công bớt giận.
Nào hay câu bằng lòng vừa thốt ra đã có ngay điều kiện hà khắc
kèm theo sau. Hứa Du vân vê mấy sợi ria chuột nói:
— Lần trước Viên Thuật bại vong, bọn bộ hạ là Lôi Bạc, Ngô Lan,
Mai Càn kéo nhau tụ tập ở vùng núi non Giang Hoài. Họ Tôn qua lại