Thượng Lạc phát hiện ra, lập tức bị bắt chém đầu. Tịnh Châu từ đây
được bình định.
Nhớ khi xưa Viên Thiệu khai phá Hà Bắc, đánh nhau vất vả gần
mười năm mới giành được bốn châu Ký, Thanh, U, Tịnh, vậy mà chỉ vì
đám gà nhà đá nhau mà không giữ được đại nghiệp, đem cơ nghiệp Hà
Bắc hai tay dâng lên cho kẻ khác. Công cuộc thống trị oanh liệt của họ
Viên kết thúc một cách ảm đạm như hoa quỳnh sớm nở tối tàn. Thay
đổi cờ hiệu, đặt lại quan viên, lung lạc nhân tâm, đo đạc ruộng đất, tất
cả đều phải thay đàn đổi dây. Chẳng những toàn bộ địa bàn châu quận
đều dâng cho Tào Tháo, mà ngay cả phủ đệ mạc phủ của Viên Thiệu
cũng trở thành sản nghiệp của Tào gia. Lưu thị phu nhân đã mất chồng
mất con, được khách sáo “mời” ra ngoài, còn thê thiếp nội quyến của
Tào Tháo thì hớn hở vui mừng dọn vào đó ở. Từ đó người mới thay chủ
cũ, tòa Nghiệp Thành mang theo lời sấm vĩ huyền bí kia đã trở thành
nhà của Tào Tháo... Cột vẽ xà chạm, nhà gấm cửa thêu, bao nhiêu đình
đài lầu các, tì nữ bộc đồng đông như mắc cửi, duyện thuộc tòng sự đầy
nơi phòng xá, tòa phủ châu mục này còn to hơn cả phủ Tư không ở
Hứa Đô. Nhưng có thể coi là vẫn không đánh mất bản sắc, ở chỗ phủ
đệ tuy lớn, nhưng đồ trần thiết các nơi tất thảy đều đơn sơ, không có gì
hoa lệ.
Cuối cùng đã có thể đàng hoàng ưỡn ngực mà ra lệnh cho Trung
Nguyên rồi. Tào Tháo vẻ mặt cao ngạo ngồi trên sảnh đường, nghe
đám thuộc hạ mới cũ bẩm báo những tin tức tốt lành, cảm giác ấy thực
sự vô cùng sảng khoái.
Chính lúc này đây, có một kẻ đang lo lắng như đi trên băng mỏng,
liên tục khấu đầu bái lạy trên sảnh đường, không phải ai khác chính là
Trương Yên - vị thống lĩnh quân Hắc Sơn từng một thời hét ra lửa.
Cuối cùng y đã dẫn theo dân chúng, ra khỏi rừng sâu núi thẳm đến bái
phục dưới chân Tào Tháo. Nghe nói người này vốn họ Chử, vóc dáng
nhanh nhẹn, giỏi cưỡi ngựa bắn cung nên có biệt hiệu là “Phi Yến”,
nhân tiếp thu giáo nghĩa của đại hiền lương sư Trương Giác, nên mới
đổi thành họ Trương. Năm xưa y đã tập hợp mấy chục vạn quân nông