dịch bệnh hoành hành, số người chết do cảm nhiễm thương hàn lên đến
gần một nửa. Trương Trọng Cảnh am hiểu y thuật, ngoài việc chính sự
còn có thể làm nghề thuốc cứu giúp cho dân chúng.
Tào Tháo lại châm chọc nói thêm:
— Sách Thuyết văn có nói: “Y, là việc trị bệnh vậy.” Nói thẳng ra
chẳng qua chỉ là đám thợ vu y bách công
mà thôi, không phải là
việc làm của người quân tử. Lưu Biểu dùng một kẻ không biết việc ấy
vào làm Quận tướng, há có thể giúp yên ổn địa bàn, bảo vệ dân chúng?
Dù cho ông ta có thể chữa được bệnh thương hàn, lẽ nào lại có thể chữa
được những nỗi thống khổ trong thiên hạ?
Lâu Khuê đã từng gặp Trương Trọng Cảnh, tuyệt đối không phải
là kẻ tầm thường như lời Tào Tháo nói, nhưng không tiện phản bác, chỉ
nói thuận theo:
— Lưu Cảnh Thăng dùng người rất kém! Khi xưa lệnh cho Biệt
giá Hàn Tung về kinh bái yết thiên tử, ngài biểu tấu cho ông ta làm
Thái thú Linh Lăng. Sau khi Hàn Tung trở về liền bị Lưu Biểu nghi kỵ,
trách mắng là kẻ thập thò đuôi lươn. Lần trước Quan Độ kịch chiến,
Hàn Tung ra sức ngăn cản Lưu Biểu xuất binh, bị Lưu Biểu bắt bỏ ngục
đến nay vẫn còn phải chịu cảnh lao tù khốn khổ. Lòng dạ hẹp hòi
không nghe lời hay như thế, há có thể được mọi người ủng hộ? Mọi
việc nội ngoại chẳng qua chỉ nhờ vào Sái Mạo, Khoái Việt mà thôi.
Người Tương Dương đều nói Lưu Cảnh Thăng chẳng qua chỉ là ngồi
không trên sảnh đường, còn hai họ Sái, Khoái mới là chủ nhân thực sự
ở Kinh Châu.
Tào Tháo càng cười nhạt:
— Khi xưa Lưu Biểu một mình một ngựa đi nhận chức không có
căn cơ gì, được hai nhà Sái, Khoái tương trợ mới đứng được vững
chân. Giết Tô Đại, trừ Bối Vũ, kết giao với Hoàng Tổ, chiêu nạp các
danh sĩ thanh lưu, họ đều lập được công lao lớn, Lưu Biểu sao có thể
khống chế nổi nữa? Ta từ nhỏ đã quen biết với Sái Mạo, đó là kẻ rất có
tâm kế. Nghe nói em gái Sái Mạo được gả cho Lưu Biểu làm tục huyền,