khác chữa. Ông tính còn ai chữa được nữa? Thôi thuốc của hắn ba ngày thì
cháu qua đời. Chắc ở thành phố này đã có hàng mấy trăm người mất của
chết oan vì hắn, chẳng phải riêng nhà tôi!
Ấy là lời bà Phán Phước đã nói với tôi trong khi con bà mới chết vì
thuốc. Một thôi thẳng, rủa hết sự độc ác của thầy lang, thấy bà đỏ mặt tía
tai, nước mắt ứa ra, hình như bà vừa xót con trai, vừa giận kẻ sát nhân,
nghẹn lời không nói được nữa. Hồi lâu bà lại bảo tôi nên nói cho vỡ cái
ngón khoét tiền của con mọt ghê gớm ấy, kẻo thiên hạ còn nhiều người
chết. Bạn đọc báo chắc chưa biết chữ mọt già ấy chỉ vào người nào!
Phải, người ấy gọi là "Thỏ Đực" thì đúng. Trông cái hình dáng, có thể
bảo hắn là một anh kép già ở xóm cô đầu, nếu hắn không đi giày ban.
Nhưng ngắm đến bộ miệng thì lại có thể tưởng hắn là một con thỏ, vì cái
miệng ấy nó chum chúm như mõm con thỏ, mà tự môi trên đến môi dưới,
rồi thì ngoài mép quanh cằm, đâu cũng nhẵn thín, không bén một sợi râu
nào.
Trước đây, khoảng ba chục năm, hắn chỉ là một chàng học trò dở ở
vùng xuôi, chữ Hán cũng biết ít nhiều, chữ Pháp không thuộc một tiếng.
Làng nhà hắn cũng như làng Xa La ở Hà Đông, vô luận người nào, có biết
chữ hay không biết chữ, đều thuộc võ vẽ một ít bài thuốc, nhớ lõm bõm vài
câu sách thuốc. Xách dao cầu đi phương khác, họ đều có thể bịp người mà
kiếm ăn. Nhờ về phong thổ đó, hắn đủ tư cách như mọi trai làng, nhân khi
túng đường sinh nhai mới sắm dao cầu tủ thuốc, kéo lên ngã tư nọ ở ngoài
Hà thành, mở cửa hàng thuốc, vì không thể gọi là cửa hàng gì. Kỳ thực,
trong hàng của hắn chỉ có mấy thứ thuốc bột chữa sâu răng, thuốc cao chữa
mụn nhọt và vài chục vị vừa thuốc Bắc vừa thuốc Nam, đựng trong một cái
tủ mốc. Gọi là hàng thuốc, cũng xấu hổ cho hai tiếng ấy.
Lúc ấy, vùng đó, răng đã ít người đau, nhọt lại ít kẻ bị, thuốc ế, mạng
nhện bắt đầu quấn vào dao cầu, những người gần quanh thấy cái cảnh đói
khát của hắn đó phải động lòng thương hại.