Rồi ngồi phắt dậy, ông ấy kể thêm:
- Làng tôi cũng như hết thảy làng khác, mỗi năm phải có một con lợn
ỷ cúng thần. Ỷ của làng tôi không hùng vĩ bằng ỷ làng Yên Khê, nhưng
trước kia, cũng phải hai tạ.
Cái này thì quan họ cũng như bách tính. Lần ngôi chi thứ, người nào
đến tuổi nuôi ỷ cúng thần, tất nhiên phải nuôi, dù là quan họ cũng không
được trừ. Công việc nuôi ỷ thì chẳng có gì long trọng vì nó là việc nuôi một
con lợn. Nhưng đến cái lễ xem ỷ thì quan trọng lắm.
Năm nào cũng vậy, lệ ấy nhất định vào ngày 23 tháng chạp. Cách sáu
ngày nữa thì người nuôi ỷ phải rước ỷ ra đình để làng giết thịt cúng thần. Vì
vậy bữa đó, các bàn trong làng nhất tề tới nhà sự chủ - nói là khổ chủ thì
đúng hơn - tới nhà khổ chủ để xem ỷ có béo tốt hay không. Ý nghĩa của
tiếng xem ỷ chỉ có như vậy. Nhưng, đối với thôn quê, xem bằng mắt chưa
đủ, người ta còn phải xem thêm bằng miệng. Nghĩa là chủ nhà phải thết dân
làng một bữa, thì lễ xem ỷ mới là hoàn thành.
Không phải giò, nem, ninh, mọc gì cả; bữa tiệc ấy chỉ có rau nộm với
rượu và cơm mà thôi. Có điều thứ rau nộm này khác hẳn với rau nộm
thường. Người ta đã dùng thịt lợn thái chỉ trộn với cuống giá và rau muống
luộc. Trong một bát đến bảy phần thịt, rau và giá chỉ có ba phần.
Dân làng bước vào đến cổng sự chủ, công việc đầu tiên là phải ngó
vào chuồng lợn, để khen vài câu, rồi mới vào ngồi trong nhà. Thế là năm
người một cỗ, theo bàn mà ngồi. Nhà chủ liền đệ vào giữa, một mâm đũa
bát và một chậu rau nộm. Như thế tức là đủ lệ của làng, người nào muốn
thêm thức gì là do hảo tâm của họ.
Rau hết lại sức, rượu hết lại rót, ai cũng ăn uống cho đến no say thì
thôi.