Làng tôi có mười sáu bàn, mỗi bàn hai mươi bốn người. Những như
thết làng một bữa, cũng đủ hại cho người ta. Huống chi, ngoài những người
có chức sự trong cuộc xem ỷ, lại còn anh em họ mạc đến giúp.
Bất kỳ ai, hễ trong ngày ấy, bước chân vào đến nhà ấy là phải có rượu
và rau nộm. Những nhà chật hẹp, người ta ngồi ngổn ngang khắp cả xó bếp,
đầu thềm. Nhiều khi không cần đến mâm, mỗi người chỉ một lọ rượu và
một chậu rau là đủ.
Tôi đã mục kích những cảnh tượng đó, và không biết gọi nó là cảnh
tượng gì. Nên tôi phải gọi tạm là cảnh tượng thất nghiệp. Bởi vì, lắm người
lo xong một tiệc rau nộm để khao làng cho con lợn ỷ của mình thì phải hết
cả cơ nghiệp.
Tôi không thể nhịn cười:
- Sao anh không cố cổ động cải cách cái tục ấy đi?
Ông L. cũng cười:
- Nó đã thành cái thiên kinh địa nghĩa (6) ở làng tôi rồi, cải cách làm
sao nổi.
Ngô Tất Tố
Báo Con Ong, Số 19 - 11.10.1939
-----
(6) Thiên kinh địa nghĩa: Đạo thường của trời, lẽ phải của đất, xưa nay
không bao giờ thay đổi được.