ngài, thì sự phí tổn còn biết đến đâu là hạn. Những người đến lượt nuôi ỷ,
trong hai năm trời, lúc nào cũng phải canh cánh lo sợ, chẳng khác nuôi ông
tướng giặc trong nhà. Bao giờ ỷ ra đến đình, bấy giờ mới là vững dạ.
Mười một tháng hai, chính là ngày làng ấy tế ỷ.
Những năm ngày ấy lỡ có mưa gió, việc tế phải cử hành vào lúc nhá
nhem. Hôm nay vì trời nắng ráo, cho nên công việc cũng hơi chậm chạp
một chút.
Ánh nắng ra khỏi sân đình. Mây đỏ rực rỡ ở đám chân trời phía tây
phản chiếu lại bầu không gian trước đình, như thêm vẻ tưng bừng cho bóng
cờ quạt.
Trong đình dần dần đông thêm. Tuần phu, hương lý, quan viên tế, đàn
bà, trẻ con, lần lượt từ trong cổng làng tiến ra.
Trên ngọn tre của mấy làng xa tít, mặt trăng từ từ tiến lên giữa trời.
Ánh trăng vằng vặc chiếu xuống khu đồng. Lúc này người đã đông nghịt.
Ngoài những ông mũ cao, áo rộng xúng xính, thêm có những ông thắt lưng
bó que, ăn bận rất gọn ghẽ.
Nào giáo, nào mác, nào gậy tầy, mã thò, nào những bó đuốc nứa bó
sẵn, dài ba, bốn thước trở ra, các vật ấy nghênh ngang tựa khắp tường đình,
giống như những khi người ta dự bị khí giới để đi đánh cướp.
Một hồi tù và rúc mau. Tiếng trống cái thủng thẳng điểm trong đầu
làng hòa với tiếng hò reo của lũ con nít. Đôi cũi mới chăng thừng màu đỏ
và một vài lá cờ đã rước anh em "ông lợn" ra đến cửa đình.
Cuộc tế bắt đầu khi đôi cũi ấy đặt ngang hàng nhau ở trước tiền tế.
Giữa lúc tiếng kèn, tiếng trống xen tiếng "hưng bái" làm vang trong
đình, tôi có ý hỏi trong hai con lợn trong cũi, con nào là anh, con nào là em.