mang khói đi về phương nào đó. Khúc sông im ắng không người. Mình tự
hỏi có khi nào trong lúc mải mê đi theo tiệc tùng rình rang thì những nhân
vật phụ của mình đã lén lút hành động?
Biết đâu một thằng bé đen trũi bơi đến hỏi chị ơi đi theo em, chơi vui lắm.
Ngà gật đầu để nguyên quần áo ào xuống nước ngụp lặn mãi mê cùng nó,
bờ mỗi lúc mỗi xa. Hoa giắt trên tóc Ngà rơi ra, trôi tấp vào bờ lá.
Biết đâu người đàn bà trên chiếc ghe kia lúc ngang qua đã hỏi, muốn sống
đời rày đây mai đó với tôi không? Ngà nói muốn chớ, thèm lắm và nhảy lên
mũi ghe khi nó còn chưa chạm tới bờ, chân còn lại Ngà đạp vào bờ cỏ làm
rơi tủm vài hòn đất nhỏ xuống sông.
Cái âm thanh cuối cùng mà Ngà nghe được, là tiếng đất rơi tiếng nước chảy,
hay tiếng người réo “Ngà ơi Ngà, đàng trai tới rồi nè”? Những câu hỏi cứ
ngoi đùn lên như một ổ mối ngày càng cao, mình càng tức thở. Cái truyện
(dự tính là) có hậu này chắc bỏ lửng ở đây, mình không biết có hậu là đưa
Ngà trở về (như cổ tích thường viết “họ cưới nhau và sống hạnh phúc đến
suốt đời”) hay cứ để Ngà đi vào miền vô tăm tích?!
Mệt thiệt !
Mình để lạc mất cô dâu.
Không biết Ngà lẫn vào đâu trong cái đống chữ lộn xộn mà mình vừa viết.
Mình đê mê miêu tả cái rạp cưới thơm phức nhựa cây, cổng vòng nguyệt
giắt đầy trái và lá đủng đỉnh mà lát nữa cô dâu chú rễ sẽ đứng đó cười toe
chụp ảnh. Ngang qua vài mâm nhậu họ đang là đà ca vọng cổ, mình đi vô
gian bếp oi khói cùng với tiếng nói cười, mùi hành tỏi. Ai đó nói mẻ rượu
cất từ chiều qua tự dưng hơi chua, chắc là trở gió. Hôm qua tro cốt của con
gái Tư Thiêm được gởi từ Đại Hàn về tới nhà, thấy mặt thằng chồng con
nhỏ dữ dằn nhưng đâu có ngờ hung ác tới mức đó. Hồi tối này thằng chồng
say xỉn kiếm chuyện gây lộn đập tan nát mớ chén dĩa úp trên giàn, bữa nay
chắc ăn cơm bằng miểng dừa. Rồi một ông già hỏi :
- Vậy chớ con Ngà đâu bây, đàng trai tới trước cỗng rồi mà nó đâu tao
không thấy?