Hội chưa đi, Quý còn ngủ ngoài nhà củi. Anh Hội nói kệ nó, vách buồng
mỏng quá, thằng nhỏ ngủ nhà anh thấy nhột lúc giường kêu.
Bên nhà chị ai cũng khen Quý trổ mã mau. Họ vẫn đọ đứa bé ốm teo vạch
quần đái vô cây ớt nhà chị hôm rước dâu với Quý sau này, như phù phép
của ông trời. Cứ cách tuần đã thấy khác. Thằng nhỏ lớn như thổi, cách nói
của họ làm chị nghĩ tới một ngày nào đó Quý sẽ nổ tung.
Quý, đi theo chị.
Vừa nãy qua Ông Đơn. Xứ mình lơ ngơ đi dễ lạc. Những ngã ba sông
thường giống nhau, cũng mấy chòm nhà, vài tiệm tạp hóa, một cây cầu
trắng toát bấm ngón nhón hai bờ, ở giữa là nước chảy, đất lở xồm xoàm.
Lần đó nhớ anh Hội quá, đi lên huyện thăm mà không cho anh hay trước.
Từ hồi lấy anh, chưa bao giờ chị có cảm giác căn nhà cuối dãy tập thể ấy là
mái ấm của mình, khi bất ngờ xô cửa vô vừa hay linh cảm đó là thật. Xõa
trên bắp tay anh là một mái tóc đẫm mồ hôi khác. Cả anh cũng không phải
của mình, chị nghĩ vậy, bỏ về. Không nhớ trôi dạt kiểu nào mà lạc tới miệt
đồng Chó Ngáp. Cái mặt ràn rụa nước mắt chị gỡ ra quăng xuống nước, lay
lắt chìm dần. Con đàn bà đó tận tụy làm dâu, vắng chồng suốt năm năm, giờ
chết nước.
Quay lại nửa đường thì gặp Quý chạy trên bờ, mừng quýnh nói “má lo”.
“Còn Quý?”, chị hỏi, và nhận lại một cái nhìn không đáy.
Quý, đi theo chị.
Quãng này hồi Quý đi còn vắng, vạch đám lá ra không thấy mặt người, giờ
nhiều quán xá mọc hai bên sông. Con bạn chị cũng cất tiệm tạp hóa ở đây.
Bận đi chị đã tấp vô đổ dầu cho đầy, chuyến về có Quý không tiện ghé. Bạn
ái ngại hỏi có phải đi đón thằng Quý? Chị gật đầu, chuyện Quý về có gì
phải giấu. Con bạn lèo nhèo: “Đáng lẽ ông Hội phải đi, em ruột ổng mà...”.
Chồng tao mắc coi đám kiểng, chị nói, giọng không chút mỉa mai. Anh Hội
bận uốn tỉa mớ cây chùm rụm thành rồng phun ngọc, nai ăn cỏ. Từ ở huyện
về, anh Hội cự tuyệt việc ngẩng đầu lên. Đánh cờ cúi mặt, ăn cơm cúi mặt,
thời gian còn lại anh cúi mặt lụi hụi với mớ cây. Chẳng biết vì không muốn
nhìn mặt chị hay sợ ánh nhìn ngờ ngợ của xóm giềng. Bán loạt kiểng này
lại chăm chút cho loạt khác.