mà tôi xin mình, cứ thử một mình mình biết, một mình mình hay, mà yêu
kẻ ghét mình tôi xem nào!
Nghĩ một lát nữa, rồi Quang nhăn nhó lại lắc đầu:
- Không! Tôi không thể làm cho Oanh đến nỗi phải ghét tôi được. Tôi
xin lỗi mình, mình là người đại lượng mình hiểu biết. .. Sự thực, tôi vẫn
còn thương Oanh lắm.
Chị Quang nổi nóng, gay gắt phân trần:
- Thế nhưng mà khi ông không chịu nói dối thì nghĩa là ông vẫn dang
tay vò nát quả tim đã bị thương của người ta! Ông không muốn bị căm hờn!
Phải, ông chỉ ích kỷ! Để cho người ta chết thì rồi ông thương xót một thể!
Phạm Quang ngã ngồi xuống ghế như một cái cây đổ. Chàng gần như
khóc:
- Thà để Oanh chết là hơn! Nếu chẳng may thế, tôi sẽ ấp mồ Oanh mà
khóc! Chết như thế, Oanh cũng được hả về phần hồn! Còn sống như em
đoán trước, xác thể không những tiêu mòn, mà cả đến linh hồn của Oanh
cũng chẳng mát mẻ nữa, vì rằng sự căm hờn đã đến chiếm chỗ trong tim.
Chị Quang lại cười gằn mà rằng:
- Thế thì mình nhầm! Sự căm hờn chỉ nuôi chứ không giết. Sự căm
hờn đẻ ra lòng tự kiêu, tự ái, mà lòng tự ái chính là một sức mạnh để tự vệ.
Chỉ có sự hối hận, sự tự mình phải giận mình, là giết mà thôi!
Quang vẫn thổn thức:
- Khốn nhưng tôi không muốn giết cái mối yêu ấy trong lòng Oanh.
Căm hờn là một cái xấu không nên có trong hồn một người đàn bà đã lầm
trong một phút, và do thế, mới đáng thương! Thà Oanh hối hận, thà Oanh
tuyệt vọng! Thà để Oanh chết vì ái tình! Để cho ái tình ấy đi theo linh hồn
là cái bất vong bất diệt, ái tình sẽ hóa ra cũng bất vong bất diệt!
Chị Quang run rẩy khẽ nói:
- Bảo Oanh chết, ờ thì được! Nhưng còn thằng Chắt? Nó mới có 6
tuổi! Mà nó là cháu tôi, cháu mình? Giết mẹ nó là giết nó! Mình không
được phép giết thêm một đứa trẻ vô tội!
Anh Quang ngạc nhiên nhìn vợ hồi lâu rồi mạnh bạo ra đi. Anh đi đến
nhà Oanh. Nửa giờ sau, về, mặt nhăn nhó, anh kể: