MỘT CÁI CHẾT
B
ẩy giờ tối.
Hai chúng tôi, cơm chiều xong, vừa định thắng bộ vào dạo chơi loanh
quanh mấy phố thì trời bỗng đổ cơn mưa như trút.
Phải bó cẳng ngồi nhà cặm cụi với mấy tờ báo, chúng tôi xem đã uể
oải, mắt đã thấy mờ thì cửa vẫn khép chặt, bỗng có người đẩy đánh xầm
một cái tung ra.
Giật mình, chúng tôi ngơ ngác nhìn lên thì một ông lão ăn mày vừa lòa
vừa cụt chân, người quắt như con mắm nướng, áo tơi, nón lá, chống nạng lê
vào.
- Lạy ông, lạy bà... bố thí cho con đồng cơm bát cháo trong lúc khốn
cùng...
- Không sẵn! Đi đi!!! Cửa nhà người ta khép thế mà cũng đẩy ra
được...
Đã bực mình sẵn, lại thấy ông lão xông xáo quá đáng thế, tôi không
chút thương mà gắt rầm lên. Bạn tôi vội xua tay ngăn lại, đứng dậy, ra ân
cần để vào tay ông lão một xu. Ông lão cúi rạp xuống đất tạ ơn rồi lủi thủi
bước ra, để lại chỗ đứng một vũng nước dây ở cái áo tơi trút xuống. Bạn tôi
cài then cửa rồi vào:
- Không bao giờ tôi nỡ đuổi một người ăn mày như anh đã đuổi.
Tôi mỉm cười một cách nhạo báng. Bạn tôi xưa nay vẫn hay giảng đạo
đức, thuyết luân lý.
- Anh đừng tưởng chuyện đùa. Những chuyện rất thường mà đối với
người ngoài cuộc, lắm khi có ảnh hưởng lại rất sâu xa. Một người ăn mày
đến kè nhè bên ngoài. Người trong nhà chạy ra mắng đuổi hắt đi rồi đóng
cửa đánh xầm một tiếng. Tưởng chẳng có chuyện gì bình thường hơn thế
nữa. Thế mà cũng chỉ vì một chuyện đuổi ăn mày mà chính tôi đây, tôi đã
được mục kích một tấn kịch rất đỗi bi thương.