Sau những trận đau lòng ấy, chẳng biết trông cậy vào ai, thằng Hợi chỉ
còn ôm đầu lủi thủi lại cầm tay tôi, ngước mắt nhìn lên tỏ ý kêu van, dưới
ánh sáng mặt trời xiên qua bóng mấy cây bàng, tôi còn thoảng nhớ cái nét
mặt ủ rũ của thằng Hợi, hai hàng nước mắt chạy quanh rơm rớm. Anh, nếu
anh có đứng vào địa vị tôi bấy giờ, anh mới rõ được cái cảnh thương tâm
ấy.
Thành thử nó coi tôi như một người anh, có lẽ hơn một người anh nữa,
vì càng khinh bỉ bố nó bao nhiêu, tôi lại càng ái ngại cho thằng Hợi bấy
nhiêu. Nó cũng hiểu lòng tôi thế lắm.
Nhưng có lẽ anh đã nóng ruột rồi, câu chuyện "đuổi ăn mày" anh để
tâm, đây, tôi kể đến rồi đây.
Buổi tối hôm ấy, cũng vào độ bảy, tám giờ, cũng về cuối tháng giêng
ta như hôm nay, chỉ khác là bây giờ thời tiết dễ chịu mà năm ấy thì rét như
cắt.
Cái nhà chênh vênh hứng gió, cửa trông thẳng ra bờ sông, chúng tôi
ngồi trong, nghe bên ngoài tiếng gió ào ào, cột nhà chuyển lắc rắc mà
những rùng mình.
Phải, cái cảnh tượng đêm hôm ấy trí tôi chẳng quên mất một mảy
may: cửa đóng kín im im, ngồi chùm đầu trong một cái chăn bông mà hai
hàm răng tôi vẫn thấy chọi nhau lập cập. Thằng Hợi ngồi học cùng bàn với
tôi nhưng không biết nó nghĩ vơ vẩn điều gì, mắt nó thường không nhìn
đến sách. Thầy cai thì ngồi chễm chệ giữa giường, bên đùi kê một hoả lò
than đỏ rực, trên để mấy con mực khô đang sèo sèo, mùi mực nướng pha
lẫn mùi rượu ngang thơm nức cả nhà, nghĩ đến mà thèm rỏ dãi.
Chợt có người khẽ gõ vào cửa mấy tiếng rồi đánh "hu?t; một cái như
có vật gì rơi xuống đó. Vừa toan bỏ chăn, xỏ chân vào đôi guốc bước ra thì
thầy cai giơ tay ngăn lại, cầm khăn ung dung chùi mồm, vuốt lại bộ râu
cong đâu đấy rồi mới cau đôi lông mày sâu róm lại, lên tiếng dõng dạc:
- Ai hỏi gì...?
Bên ngoài lại thấy mấy tiếng gõ vào cánh cửa.
Thầy cai lộn tiết, quát:
- Hỏi gì, nói lên!!!