Nói đến đó, bạn tôi ngồi xuống ghế, vớ lấy bao thuốc lá lấy ra một
điếu đánh diêm châm, rồi tiếp.
Bên ngoài trời vẫn rả rích mưa to.
- Hồi ấy, cách đây sáu bảy năm trời, phải, sáu bảy năm trời rồi mà câu
chuyện xảy ra tôi còn nhớ mồn một như mới hôm qua.
Năm mười sáu tuổi, học lớp nhất trường Hàng Vôi, tôi ở trọ phố Bờ
Sông, nhà một thầy cai lấy thuế chợ. Con trai thầy mới lên mười một, học
lớp dự bị, ngày ngày bốn buổi đi về có tôi dắt dìu. Tối đến dưới ngọn đèn
dầu cũng tôi chỉ bảo.
Gia thế thầy cai tôi không được rõ. Vì có người quen mách giúp nên
việc tôi đến trọ nhà thầy là việc ngẫu nhiên. Chỉ biết hôm tôi khuân hòm
đến thì, trên chỏm mũ trắng điểm vành băng đen, thằng Hợi - con thầy - đã
ngót hai năm trở mẹ.
Thằng Hợi! Tôi nhắc đến tên thì người, tôi cũng nhớ được ngay. ..
Anh thử tưởng tượng xem, một thằng bé mới mười một tuổi đầu, mặt mũi
sáng sủa, ăn nói lễ phép, đến trường học hành đã chăm chỉ, về nhà việc vặt
lại hay làm. Thầy cai rất yêu quý con trai, sợ cảnh dì ghẻ con chồng,
chuyện lấy vợ kế thầy không hằng nghĩ đến.
Nhưng xem ý tôi biết, thằng Hợi không yêu bố nó chút nào. Chắc anh
cũng chẳng lạ gì, một đứa trẻ, rất ngoan mà không ưa bố, một người bố
cũng thương yêu con như trăm nghìn người bố khác, chỉ vì cái nghề mà đến
con đẻ rứt ruột nó cũng không yêu.
Anh thử tính xem, cái nghề mà cửa miệng thiên hạ vẫn nói... nó đầy
đoạ con người một thời xông pha mưa nắng, chỉ vì bổn phận mà đối với
người nghèo hèn, buôn thúng bán mẹt đã bị họ coi như kẻ tử thù.
Mỗi lần thầy cai đi "sơ vít"(1) qua cửa trường Hàng Vôi là lại một
phen thằng Hợi khóc. Nó khóc vì nó chẳng đang tâm trông thấy bố nó
thẳng cánh đánh đập một bà lão bán bún hay đá túi bụi một thằng bé con
cho hòm kẹo đổ xuống đất tung tành, nó khóc vì bạn bè trong trường khinh
bỉ nó vô cùng, thường rõ rẹo vào mặt nó mà rằng: "Chúng tao không chơi
với mày! Bố mày làm cai lấy vé chợ".