MỘT ĐỒNG BẠC
Tặng Vũ Mỹ Lương
T
hời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau
trong những căn nhà rộng như hang chuột của cái thế kỷ tiến bộ này, cổ
nhân cũng đã có những câu như "trạch lân xử" và "bán anh em xa mua láng
giềng gần" để thuyết minh về cái liên lạc hệ trọng giữa những người sống
gần gũi nhau, đề phòng những lúc nguy nan, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn, dễ
cầu cứu nhau.
Ngày nay, nhờ nạn nhân mãn, những thuế thổ trạch quá nặng, bọn
người ít tiền chúng ta đã không còn biết cái tình liên lạc của "láng giềng",
để mà hiểu rõ cái gì là cái hệ trọng của người "ở chung" đối với ta, lại thân
mật hơn ông láng giềng thuở trước. Vì những lẽ cần kính trọng nhau, để dễ
cần dùng lẫn nhau, cần lấy lòng nhau vào nhiều dịp, nhất là không thể giấu
giếm, đậy điệm những cái xấu đi, cho nên những gia đình kim thời phải ở
thuê chung nhau một nhà, đối với nhau quả là thân thiết hơn cả họ hàng
nữa.
Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia
đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ
cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.
* *
Kể từ khi ấy đến nay, tính ra đã bốn năm tròn. Nghĩa là sau khi sống
chung đụng nhau một thời gian khá dài, hai gia đình chúng tôi mỗi bên dọn
nhà đi một phương, đã bốn năm nay cách biệt hẳn nhau. ở cái thời buổi mà
ai cũng sống hấp tấp, vội vàng này, những điều thiêng liêng đáng ghi nhớ
thế nào đi nữa, thì rồi người ta cũng dễ quên khuấy ngay đi... Có phải thế
không? Cho nên bốn năm trời xa nhau, tôi chẳng còn nhớ gì đến người ta
nữa, mặc lòng xưa kia tôi đã cư xử và được đáp lại như anh em ruột thịt,