(*) Hay còn gọi là Bát Phá Đồ, một trong những nghệ thuật truyền thống
quý giá của dân tộc Hán. Dùng hình vẽ tả chân các vật phẩm cũ nát trong
thư phòng của văn nhân thời xưa chấp ghép thành tranh. Xuất hiện lần đầu
tiên trên lọ thuốc hít đời Minh.
Đúng như Đường Huy dự liệu, đã là 3 giờ chiều mà trong tiệm đồng hồ
vẫn không có một bóng khách, ánh nắng xuyên qua lớp cửa kính trong suốt
giăng khắp tủ hàng, mạ lên mỗi chiếc đồng hồ lười nhác nằm đó một đường
viền vàng. Đứng mãi không thấy ai ra tiếp, dù mặt bằng tiệm khá nhỏ
nhưng nhìn vẫn có vẻ trống huếch trống hoác. Anh ta đành đi đi lại lại cạnh
một tủ quầy trong như nơi nghiệm hàng thu tiền, để ý thấy chiếc tủ quầy
bằng gỗ anh đào bị ngăn ra một nửa, phía trên đặt một cái rương nhỏ sơn
bóng loáng, bên trong là mấy ngăn kéo mở he hé, để lộ ra vài linh kiện kim
loại tinh xảo, có vẻ là bàn sửa đồng hồ.
"Muốn mua gì?"
Một giọng nói rè rè như tiếng cưa gỗ cất lên từ sau bàn làm việc nọ, làm
Đường Huy giật mình bất giác thối lui mấy bước, bấy giờ mới nhìn rõ
người đang ló nửa thân hình ra. Trên cái đầu hói mất nửa là một vành tóc
bạc, da mặt đỏ bừng bừng, sưng húp lên, một bên mắt gài một phiến kính
tròn, mắt vừa trừng lên kính liền rơi xuống cùng sợi dây đeo buông thõng
trước ngực. Tuy người đối diện đã già nua đến độ râu tóc bạc phơ, nhưng
vẫn có thể đoán được là người Trung Quốc, da dẻ lộ ra nơi mu bàn tay và
cổ áo sơ mi vẫn có màu vàng, khẩu âm cũng không đến nỗi lạ, là người
Thượng Hải chính gốc.
"Ông chủ chỗ các bác đâu?"
"Ông chủ ngày nào cũng ở đây thì còn cần mấy người bọn tôi làm gì?
Anh bạn trẻ ở đâu ra mà ngù ngờ thế?"