nhiên chàng thấy ngực Lan phồng lên rồi giẹp dần lại, rồi nàng ngừng tay
không khâu nữa, nét mặt rầu rầu, hai mắt mơ mộng. Quả là nàng cũng đương
vơ vẩn điều chi.
Điệp càng muốn biết Lan nghĩ ngợi gì mà buồn đến thế, hay Lan sực nhớ
đến chàng hỏng thi, mà cũng chia cái khổ não chăng? Nếu quả thế, hai người
chung một tâm sự, vui vẻ cho Điệp biết là ngần nào! Thì ra có trượt thi thì
mới được cái sung sướng ấy. Tự nhiên, chàng tự an ủi, và phấn chấn trong
lòng.
Điệp càng nhìn càng thấy yêu Lan, song yêu Lan bao nhiêu, chàng phải cố
đè nén cái ái tình đi bấy nhiêu. Chàng thấy mình khôn ngoan, một cách đáng
thương hại.
Bỗng Lan vụt nhìn ra cổng. Điệp trông thấy nhưng không đứng lấp đi, cứ
chòng chọc hai mắt vào Lan, mà Lan cũng cứ chòng chọc vào hai mắt Điệp.
Bốn tầm con mắt như luồng điện, nồng nàn, thẳng thắn, mạnh mẽ, như thấy
hết tận đáy lòng nhau. Điệp thấy tâm hồn bay đâu mất cả rồi nao nao thổn
thức, suối lệ như cũng bị phiêu động mà tuôn trào ra. Lạ quá, ngay lúc ấy,
Lan cũng đổi ra nét mặt lạnh lùng, ngực phồng cao lên rồi lại giẹp xuống.
Một lát, Lan lẳng lặng quay gót vào trong nhà.
Điệp đứng ngây người như khúc gỗ mãi mới định thần, bèn lên tiếng gọi
đầy tớ.
Ông Tú thấy Điệp vào, mừng rỡ, mở ngay tờ báo ra khoe với Điệp và rủa
mãi cái vô ý của bọn thợ nhà in.
Điệp không biết trả lời thế nào cho câu nói đủ sức mạnh kéo lại được cái
tâm lý ông Tú từ thái cực nọ đến thái cực kia, bèn tiu nghỉu, khẽ nói:
- Bẩm ông, con hỏng!