được phần vinh dự như thế? Hay bây giờ Lan chán vì Điệp nghèo mà có ý
duỗi ra? Ông lại sực nhớ từ lúc ông đi vắng về, Lan có vẻ rầu rầu, hỏi không
nói. Hay Lan thấy tin Điệp nghỉ hè mới về mà buồn chăng? Hay Lan cứ yên
trí tin trước rằng Điệp hỏng thi, để lúc nghe đích thực Điệp đỗ được vui bội
phần mà lỡ Điệp có hỏng thực, cũng không đến nỗi buồn lắm?
Trong khi ông phân vân nghĩ ngợi về tâm lý Lan thì Điệp đã đứng thập
thò ở ngoài cổng.
Điệp đứng mãi ở cổng, đứng mãi, đứng đến mười phút mà không vào.
Điệp không vào, không phải là không có cớ.
Một cớ đầu là Điệp sợ đàn chó nhà ông Tú dữ như lũ hùm, mà quan viên
mới ở tỉnh về nhà qua hay sợ chó. Song, như mọi khi, thì Điệp gọi người nhà
ra đưa vào. Vậy tất không phải vì thế mà Điệp phải đứng suông ở cổng. Một
cớ nữa, là có lẽ Điệp phải sắp sẵn câu nói để an ủi ông Tú, và có khi an ủi cả
Lan nữa, vì một đôi khi, biết đâu, Lan không ở trong buồng lắng tai nghe câu
chuyện của Điệp. Nhưng ông Tú và Lan đều sẵn bụng thương yêu Điệp, thì
sự đối đáp cũng không cần đắn đo, dàn thế khó khăn như việc trận, phải dùng
nhiều mưu trí, mánh khóe. Và Điệp vào nhà ông Tú sớm phút nào thì được
nhìn trộm Lan sớm phút ấy, được ngồi cái ghế mọi khi thỉnh thoảng Lan
ngồi, uống được cái chén mọi khi thỉnh thoảng Lan uống, được cầm cái quạt
mọi khi thỉnh thoảng Lan cầm. Vậy Điệp còn trù trừ gì mãi mà chẳng gọi
người ra trông chó! Ấy là chàng chẳng biết gọi ai, nên phải đứng yên ở đó,
chẳng lẽ chàng lại réo tên cái người đứng kia ra đưa chàng vào hay sao?
Điệp ngấp nghé ngoài cổng nhân tiện có dịp được ngắm Lan lâu và tự do,
tội gì không hưởng! Nhưng Lan vô tình không biết. Nàng đứng dựa cột vẩn
vơ hai mắt nhìn xuống. Điệp thấy Lan độ này đẫy hơn trước, cái tay áo cộc
lụa như nịt chẹt lấy cánh tay. Nàng vẫn khâu, mấy ngón tay búp măng thoăn
thoắt loay hoay trên mảnh lụa đào. Điệp ngắm mãi, ngắm mãi, bất giác sinh
ra buồn, buồn vì nỗi có lẽ mình vô duyên với con người có duyên ấy. Bỗng tự