- Đó là trại cơ, cụ lớn bắt phá đi, chứ không phải đổ.
- Tại làm sao?
- Tôi không biết, vì làng tôi mới cắt tôi ra lính hầu cụ lớn mấy hôm nay.
Đâu ý cụ lớn muốn thiên trại cơ ra gần cổng chòi.
Nói xong tên lính xách ấm nước đi.
Điệp vừa mệt vừa khát, một chén nước uống không đủ, nhưng biết làm thế
nào? Thấy cách ông Phủ tiếp đãi như thế, chàng tự hiểu mình được liệt vào
hạng khách nào nên đã hơi thấy khó chịu. Rồi chờ năm phút, mười phút, ông
Phủ vẫn không cho gọi lên. Điệp đã thấy nóng ruột. Nhân rỗi việc, chàng giũ
bụi áo và nhổ cỏ may ở quần, vì chàng đi bộ từ ga, đường dài ngót mười cây
số. Rồi chẳng còn việc gì khác để làm cho tiêu khiển hơn, chàng liền nhìn các
câu đối treo đó, thử đọc xem còn nhớ chữ nho nào không. Bỗng chàng giật
mình, vì thấy đằng sau một lỗ vách, có con mắt lo ló nhìn mình. Chàng chột
dạ, trông con mắt ấy, thì tự nhiên cái lỗ lại thủng sáng ra, rồi tiếng rúc rích
hai người cười với nhau, và tiếng giầy lọc cọc chạy. Điệp tinh ý, đoán là tất
tiếng giầy gót cao và nhỏ, nghĩa là giầy mang cá. Chàng nhanh mắt nhìn theo
phía giầy, thì vụt một cái, ở cửa tò vò trên nhà tư, chỉ còn phấp phới mảnh vạt
áo mau cặn vàng và một ống quần trắng đương chạy. Điệp đoán hẳn các cô
đây, thấy khách đàn ông lạ vào nhà thì hay ngó. Chàng nghĩ đến cách ăn mặc
của mình hôm nay, lấy làm bằng lòng lắm, vì đã làm được các tiểu thư chú ý
đến. Quả vậy bây giờ chàng đã cải lương cáì mũ trắng sờn vành, mà chụp
chiếc khăn lượt mới, đã thải đôi giầy đanh tre tàng, mà vận giãy tây trắng đế
cao su. Tuy cái áo vải thâm vẫn cũ, nhưng đã vá lại tử tế rồi.
Một lát, trên buồng có tiếng lanh lảnh gọi:
- Bếp ơi, rót tao chén nước.