rượu táo, còn tôi đứng cạnh cửa, mang trên mặt cái vẻ “Tôi là nhà tâm lý
A1” tốt nhất và bảnh nhất.
Tôi có thể lật Rayner lại tư thế giúp hắn hồi tỉnh, để hắn không bị chết
nghẹt vì cái đống nôn mửa của mình. Hoặc của ai đó khác, nếu có tình
huống ấy. Có thể cô muốn đứng dậy để lật hắn ra, xem hắn có ổn không -
gối, vải ướt, băng gạc, và tất cả những thứ khiến cho người ngoài cuộc cảm
thấy nhẹ nhõm hơn - nhưng tôi yêu cầu cô cứ ở nguyên đó bởi vì tôi đã gọi
xe cứu thương, và tốt hơn hết hãy để cho hắn yên.
Cô bắt đầu run khe khẽ. Đầu tiên là hai tay, chúng nắm chặt cái cốc, sau đó
tới khuỷu tay và tới hai vai, và càng lúc càng tệ hơn mỗi khi cô nhìn vào
Rayner. Tất nhiên, run rẩy có lẽ không phải là phản ứng bất thường gì khi
phát hiện một người chết lẫn lộn với một đống nôn mửa trên chiếc thảm
nhà mình giữa đêm khuya, nhưng tôi không muốn cô trở nên tệ hơn. Trong
khi lấy chiếc bật lửa thạch cao châm thuốc - vâng, cả ngọn lửa nom cũng
gớm ghiếc - tôi gắng thu thập bằng mắt thật nhiều thông tin trước khi
những cốc rượu táo làm cô lấy lại can đảm và bắt đầu đặt câu hỏi.
Tôi đã thấy gương mặt cô ba lần ở căn phòng đó: một trong tấm ảnh lồng
khung bạc trên bệ lò sưởi, cô đeo đôi kính Ray Ban, ngồi vắt vẻo trên xe
cáp treo trượt tuyết; một trong bức sơn dầu cỡ lớn dở tệ, được vẽ bởi một ai
đó hẳn không thích cô cho lắm, treo gần cửa sổ; và cuối cùng, chắc hẳn
trong bức này trông cô đẹp nhất, là trên chiếc ghế sofa cách tôi ba mét.
Chắc chắn cô chưa đầy mười chín tuổi, đôi vai đầy đặn và mái tóc dài màu
hạt dẻ lượn sóng tinh nghịch khuất vào sau gáy. Đôi gò má cao, tròn, hàm
chứa một nét phương Đông , nhưng nét phương Đông ấy lại nhanh chóng bị
xóa nhòa khi anh nhìn lên đến cặp mắt cũng tròn, to và có màu xám sáng.
Chẳng biết vẻ mặt đó có tạo nên chút ý nghĩa gì. Cô vận áo khoác lụa dài
màu đỏ, chân đi một chiếc hài trang nhã có đường chỉ vàng đẹp mắt chạy
ngang các ngón chân. Tôi liếc quanh phòng , nhưng không thấy chiếc kia
đâu. Biết đâu cô chỉ đủ tiền mua một chiếc.